Là huyện miền núi vùng cao ngăn cách với
đồng bằng của tỉnh bởi con đèo Khánh Sơn cao vời vợi, phía Bắc giáp
huyện Khánh Vĩnh, Đông Bắc giáp Diên Khánh, Đông giáp thành phố Cam
Ranh, Nam và Tây giáp tỉnh Ninh Thuận. Huyện có 7 xã (Thành Sơn, Sơn
Lâm, Sơn Hiệp, Sơn Trung, Sơn Bình, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam) và 1 thị
trấn Tô Hạp.
Bản đồ hành chính huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa)
Tổng diện tích huyện Khánh Sơn là 33.802
ha, dân số là 23.388 người. Dân cư sống chủ yếu bằng nông nghiệp, lâm
nghiệp. Diện tích đất lâm nghiệp của Khánh Sơn chiếm đến 94% tổng diện
tích tự nhiên. Đồng bào các dân tộc thiểu số đã có cuộc sống định canh
định cư, đã có tập quán trồng cây lúa nước, chăm sóc và khai thác nhựa
thông, trồng chè và cà phê theo lối thâm canh thành vùng chuyên canh
lớn.
Văn hóa truyền thống đầy bản sắc dân tộc được thể hiện qua bộ “Đàn đá
Khánh Sơn” và “Văn hóa Cồng chiêng” đặc trưng của vùng cao nguyên miền
Trung. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Khánh Sơn từng
là căn cứ cách mạng với những mặt trận ác liệt như: “Thung lũng tử
thần”, căn cứ Tô Hạp, sân bay Tà Nía.
Thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa).
Khánh Sơn có điều kiện khí hậu được ví như
“Đà Lạt thứ hai”, cùng với đó là nền văn hóa bản địa hấp dẫn, những
danh thắng tự nhiên độc đáo, di tích lịch sử ý nghĩa… Địa điểm du lịch
nổi tiếng của Khánh Sơn là Thác Tà Gụ (hay còn có tên gọi là Thác Ngà
Voi, Đá Đứng). Thác cao khoảng 40m, gắn liền với truyền thuyết dân gian
đặc sắc của dân tộc Raglai. Ngoài ra, Khánh Sơn còn có nhiều địa điểm
hấp dẫn khác như thác Dốc Quy, di chỉ khảo cổ học Dốc Gạo, đặc biệt là
nền văn hóa Raglai đậm đà bản sắc.
Khánh Sơn có nhiều loại lâm sản có giá trị. Đặc biệt có nhựa cây Tô Hạp
được dùng làm gia vị rất quý, nhựa thông ba lá (loại cây mọc thành rừng ở
Khánh Sơn). Bên cạnh đó, nhờ điều kiện thiên nhiên ban tặng cho
vùng đất Khánh Sơn về khí hậu, đất đai từ đó thích hợp cho các loại cây ăn trái có
giá trị kinh tế cao mà đặt biệt phải kể đến đó là Sầu Riêng Khánh Sơn đã có thương
hiệu trên thị trường, Bưởi Da xanh, Măng cụt, Mía tím… thơm ngon nổi tiếng và
gần đây đã trở thành cây chủ lực giúp huyện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm đem lại
một đời sống ấm no hơn cho cộng đồng dân cư.