30/11/2021 11:40
Lượt xem:
2206
Hiện nay, diện tích cà phê trên địa bàn Huyện Khánh Sơn đã giảm đi đáng kể chỉ còn khoảng 352ha. Tuy nhiên cà phê vẫn là cây công nghiệp mang lại sự ổn định kinh tế cho nhiều bà con nông dân. Trong số sâu bệnh hại trên cây cà phê thì mọt đục cành, mọt đục quả là đối tượng gây thiệt hại ảnh hưởng đến năng suất cà phê.
Mọt đục quả cà phê: (Stephanoderes hampei) Con trưởng thành đục vào nhân quả, ăn phá phôi nhũ tạo thành rãnh nhỏ để đẻ trứng. Con cái có màu đen bóng, dài từ 1,5 – 2mm và có cánh màng. Con đực có màu nâu đen, không có cánh màng và dài khoảng 1mm. Con cái đẻ từ 70-80 trứng và nở sau 6-11 ngày. Ấu trùng màu trắng không chân, rất nhỏ, cơ thể thường cong hình chữ C. Thời gian ấu trùng từ 14-28 ngày và hóa nhộng từ 7-15 ngày. Vòng đời của mọt kéo dài khoảng 43-45 ngày. Mọt bắt đầu tấn công và đẻ trứng trên trái vào đầu vụ và đạt cao điểm khi trái chín rộ. Vào cuối vụ thành trùng vẫn còn sống sót trong trái khô chờ mùa vụ tới tấn công tiếp. Nếu bảo quản không tốt thì mọt sẽ tấn công ngay trong quá trình bảo quản.
Mọt đục cành cà phê: (Xyleborus morstatii) mọt đục vào các cành non của cây, làm chết cành trong vài tuần. Mọt thường đục vào cành có đường 1-2cm, tạo thành những hang lỗ nhỏ trên cành. Mọt đẻ trứng trong hang, ấu trùng của mọt đục cành không ăn trực tiếp thức ăn từ cây cà phê mà chỉ ăn một loại nấm có tên Ambrosia. Nấm này phát triển từ bào tử do con cái mang vào trong quá trình làm tổ và đẻ trứng. Con đực không bay và rời khỏi tổ, con cái thường có số lượng gấp 10 hoặc 20 lần con đực. Con cái thường được thụ tinh trong tổ trước khi bay ra ngoài, đục vào cành mới để đẻ trứng. Vòng đời của mọt thường từ 31-48 ngày.
Biện pháp phòng trừ:
- Thăm vườn thường xuyên, phát hiện sớm sâu bệnh;
- Bón phân cân đối, hợp lý;
- Tỉa cành tạo tán, tạo độ thông thoáng cho cây;
- Cần phát hiện và cắt bỏ sớm những cành, những quả bị mọt đục, thu gom và đem ra ngoài vườn đốt để loại bỏ nguồn mọt.
- Cần phải thu hoạch kịp thời quả chín và bảo quản hạt cà phê ở độ ẩm <13%.
- Ở vùng bị mọt phá hoại nặng thì có thể dùng thuốc BVTV để phun trên toàn vườn, sử dụng các loại thuốc có trong danh mục thuốc được phép sử dụng phòng trừ mọt đục cành chứa các hoạt chất như Cypermethrin; Profenofos, Dimethoate,…và phải tuân thủ nguyên tắc bốn đúng.
Nguyễn Thị Nhung (Trạm TT&BVTV)