Khánh Sơn là một huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa và là một tronmg những nghèo của cả nước với tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 33.802 ha, huyện có 08 đơn vị hành chính (gồm 07 xã và 01 thị trấn); trong đó có 05 xã thuộc khu vực III; 03 xã khu vực II. Toàn huyện có 6.968 hộ, 25.787 khẩu (tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2019). Số hộ nghèo toàn huyện khá cao với 1746 hộ chiếm tỷ lệ 24,28%, trong đó hộ nghèo DTTS là 1512 hộ chiếm tỷ lệ 80,6%. Số hộ cận nghèo toàn huyện là 1491 hộ chiếm tỷ lệ 20,74%, trong đó có 1414 hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 94,84%.
Trong những năm qua, mặc dù đời sống, kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, các hoạt động văn hóa, thể thao, y tế, giáo dục, giải quyết việc làm, đào tạo nghề….có nhiều chuyển biến tích cực. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng và được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, qua đó giúp cho đời sống, vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao hơn mặt bằng chung của tỉnh.
Vì vậy, việc triển khai thực hiện Chương trình 135 có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng báo DTTS – Miền núi và ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện; thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, qua đó góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện. Việc quán triệt, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan đến Chương trình 135 được tổ chức thường xuyên, liên tục với nhiều nội dung phong phú, đa dạng như: tập huấn, lồng ghép vào hoạt động của các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở; thông tin tuyên truyền thông qua báo chí, truyền hình, bản tin phát thanh ở cấp xã; qua hệ thống áp phích ở trụ sở UBND xã, gắn biển tên công trình... Cùng với đó, các hoạt động phổ biến, chính sách dân tộc khác cũng đã được lồng ghép nội dung thực hiện Chương trình 135 để nâng cao nhận thức cho bà con. Qua công tác thông tin, tuyên truyền, người dân nhận thức được mục tiêu, quy mô nguồn vốn và vai trò của mình trong việc thực hiện, tác động mạnh mẽ, khơi dậy được ý thức chủ động thoát nghèo, vươn lên làm giàu của đồng bào vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, nhất là người dân thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhận thức được hậu quả của sự đói nghèo để chủ động vươn lên thoát nghèo.
Năm 2020, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn huyện là 13.234 triệu đồng, để triển khai các tiểu dự án như: Hỗ trợ phát triển sản xuất, Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và tiểu dự án Duy tu bão dưỡng các công trình hạ tầng, cụ thể như sau: đối với tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất: Vốn kế hoạch năm 2020 là 1.700 triệu đồng, vốn dân đóng góp là 75 triệu đồng. Năm 2020, ngân sách tỉnh đã phân bổ, triển khai thực hiện cho hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất là 1.700 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân 100% và vốn dân đóng góp là 75 triệu đồng. Chương trình đã hỗ trợ cho 194 hộ thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất với 03 loại mô hình sản xuất: trồng sầu riêng; chăn nuôi bò sinh sản và mua ống nước cho hộ dân. Đối với tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng: Vốn cấp thực hiện công trình năm 2020 là 9.977 triệu đồng/15 công trình, vốn giải ngân khoảng 6.927 triệu đồng, có 08 công trình đã nghiệm thu và 07 công trình đang triển khai thi công. Đối với tiểu dự án Duy tu bão dưỡng các công trình hạ tầng, vốn kế hoạch là 367 triệu đồng. Vốn đã phân bổ, triển khai thực hiện duy tu, bão dưỡng các công trình là 367 triệu đồng. Số công trình thủy lợi và công trình giao thông do các xã Thành Sơn, Sơn Bình, Sơn Hiệp, xã Ba Cụm Nam, Ba Cụm Bắc và thôn Dốc Gạo, Tà Lương và 02 thôn Ha Nít, Ko Róa xã Sơn Lâm đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng, tỷ lệ giải ngân là đạt 100%.
Kết quả triển khai thực hiện Chương trình 135 trong thời gian quan nói chung và trong năm 2020 nói riêng đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất, nâng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn huyện. Hệ thống công trình hạ tầng được đầu tư cũng đã có tác động lớn trong việc thay đổi bộ mặt vùng nông thôn miền núi của địa phương. Việc đi lại, lưu thông hàng hóa, thúc đẩy phát triển các dịch vụ kinh doanh trong vùng được trở nên thuận lợi. Đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến trong phương thức làm ăn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tập quán chăn nuôi kiểu chăn thả rông trước đây dần được thay đổi theo hướng chăn nuôi tập trung, chuồng trại. Nhiều loại cây trồng như Sầu Riêng, mía tím… vật nuôi như Bò cái sinh sản có giá trị kinh tế được đưa vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước góp phần xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào DTTS, vùng đồng bào đặc biệt khó khăn huyện Khánh Sơn./.