Những năm qua, ông Cao Hoàng Giáo (thôn Liên Bình, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) đã tận dụng lợi thế về đất đai để xây dựng mô hình kinh tế với các loại cây công nghiệp, cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế hàng trăm triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Sinh năm 1970, ngay từ nhỏ, Cao Hoàng Giáo đã gắn bó với nương rẫy. Khi lớn lên và lập gia đình, ông tích cực khai hoang, lập vườn nhằm nâng cao nguồn thu nhập, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp. Ông cho biết, khoảng hơn 10 năm về trước, diện tích sản xuất của gia đình ông đã mở rộng được hơn 6 ha. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó, chỉ trồng các loại cây ngắn ngày như: lúa rẫy, bắp, mì. Nên mặc dù cả gia đình vất vả lao động quanh năm nhưng cũng chỉ đủ ăn hằng ngày. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, năm 2010, ông bắt đầu đưa cây cà phê vào canh tác, dần thay thế cho các loại cây ngắn ngày, kém hiệu quả. Tiếp sau đó ông trồng xen sầu riêng, chuối và hồ tiêu. Đến năm 2015, khi cà phê bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định, ông tiếp tục đầu tư chuyển đổi khoảng 1,5 ha bắp sang trồng quýt đường. “Qua nhiều năm gắn bó với ruộng vườn, bản thân tôi nhận thấy, để cây trồng phát huy hiệu quả kinh tế, điều quan trọng nhất là khâu chọn giống. Vì thế đích thân tôi đã vào miền Tây để trực tiếp chọn mua các loại cây giống. Thứ hai, là phải tích cực tìm hiểu khoa học kỹ thuật trên mạng Internet và qua các lớp tập huấn để áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình”, ông Giáo chia sẻ. Đến nay, các loại cây như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, chuối đã mang lại cho gia đình nguồn thu khoảng 300 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ tri phí còn thu lãi gần 200 triệu đồng. Hiện tại, hơn 2.500 cây quýt đường của gia đình ông cũng đã bước vào vụ thu hoạch đầu tiên. Với giá bán tại vườn 25.000 đồng/ 1 kg, hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Giáo còn tạo việc làm ổn định cho 4 lao động trong xã, với thu nhập 4,5 triệu đồng/ tháng. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư, hỗ trợ 3 hộ trong thôn về nguồn giống, vốn, khoa học kỹ thuật để cùng phát triển sản xuất. “Trước đây gia đình tôi chỉ trồng bắp, lúa nên thu hoạch hằng năm chẳng được bao nhiêu. Từ khi được ông Giáo đầu tư hỗ trợ về cây giống, phân bón, khoa học kỹ thuật, gia đình tôi bỏ trồng bắp, trồng lúa để chuyển sang trồng cà phê, sầu riêng, quýt đường. Đến nay, các loại cây trồng này phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch”, bà Mấu Thị Tý, một trong những hộ gia đình trong thôn được ông Giáo giúp đỡ cho biết.
Theo ông Cao Phạm Cưỡng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, bản thôn hội viên Cao Hoàng Giáo là người địa phương nhưng đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, biết tận dụng lợi thế đất đai, mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để xây dựng mô hình kinh tế phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, hiện nay mô hình kinh tế của gia đình ông Giáo là địa chỉ quen thuộc để bà con nông dân trong thôn, trong xã đến thăm quan, học tập kinh nghiệm, nhất là bà con dân tộc thiểu số. Bản thân ông được huyện và xã công nhận đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền.
Được biết, vừa qua, gia đình ông mới hoàn thành việc xuống giống khoảng 800 cây bưởi da xanh; trong những ngày tới ông tiếp tục trồng thêm khoảng 500 cây sầu riêng để hoàn thành việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích sản xuất của gia đình.
Trên 2.500 cây quýt đường của gia đình ông Giáo bắt đầu cho thu hoạch.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn