Tại Khánh Sơn, mấy tháng gần đây, chuối liên tục giảm giá, không có người thu mua nên hàng trăm tấn chuối bị tồn đọng tại các nhà vườn, khiến nhiều nông hộ gặp khó khăn.
Hộ ông Bo Bo Xuân Vận (tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp) có 1 ha chuối mốc và chuối dạ hương. Đây là nguồn thu nhập chính hằng ngày của cả gia đình. Nếu tại thời điểm những tháng cuối năm 2016, 1 kg chuối ông có thể bán được khoảng 6.000 đồng, thì mấy tháng nay giá chuối giảm xuống chỉ còn 1000-2.500 đồng/ kg. Giá rẻ là thế nhưng không phải ngày nào cũng có người thu mua, ông đành phải để chuối chín rụng trên cây. “Năm ngoái, tư thương thu mua chuối với giá cao, hai vợ chồng tôi đi lên rẫy chặt một buổi sáng về cũng bán được 100 nghìn đến 180 nghìn. Nhờ đó mà gia đình tôi có tiền chi phí sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên năm nay, giá chuối giảm, lại không có người thu mua. Mấy ngày vừa qua, chuối chín vàng trên rẫy, rồi rụng đầy gốc, tôi đành chặt về cho heo, cho gà ăn”, ông Vận chia sẻ.
Bà Phạm Thị Tuyết, một chủ vựa chuyên thu mua chuối tại tổ dân phố Hạp Thịnh (thị trấn Tô Hạp) cho biết, trước đây ngày nào cũng có xe tải đặt hàng, nhà bà luôn tấp nập người ra vào để nhập chuối. Nhưng mấy tháng nay, bà chỉ dám mua vào với số lượng hạn chế. Nhưng khi xe tải không đến nhận hàng, chuối chín bà chỉ còn cách để làm thức ăn cho gà. Cũng theo Bà Tuyết, chuối mốc Khánh Sơn không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được các thương lái thu mua đưa đi xuất khẩu sang Trung Quốc. “Tuy nhiên, thời gian gần đây, phía Trung Quốc tạm ngừng nhập chuối nên chuối Khánh Sơn chỉ tiêu thụ trong nội địa. Hiện tại chuối Khánh Sơn được đưa đi tiêu thụ ở Sài Gòn, Tây Ninh để làm chuối sấy. Nhưng vì nguồn cung ở các địa phương khác cũng rất rồi rào, trong khi chuối Khánh Sơn mầu sắc không được đẹp nên người ta chỉ thu mua với số lượng ít và giá cũng chỉ được 1000-1.500 đồng/kg. Phải 10 ngày, có khi cả nửa tháng xe tải mới đến bốc hàng 1 lần”, bà Tuyết lý giải.
Ông Nguyễn Văn Kết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hiệp cho biết, toàn xã có trên 40 ha chuối (cả chuối mốc và chuối dạ hương). Trên địa bàn xã không có điểm thu mua nào nên người dân bán chuối trực tiếp cho xe thồ hoặc xe tải. Mấy tháng nay tình hình tiêu thụ chuối của bà con rất chậm, những hộ trồng chuối mốc thì thi thoảng còn bán được, những hộ trồng chuối dạ hương thì gần như…ế hoàn toàn.
Không bán được chuối, nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nhất là những hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Để có nguồn thu nhập, một số hộ đã tự tìm đầu ra cho quả chuối bằng cách sấy khô rồi đem đi chào bán tại các cửa hàng, hội chợ hoặc vận chuyển chuối tươi đi tiêu thụ tại các chợ ở khu vực đồng bằng. “Chuối là một trong những nguồn thu chính của gia đình tôi. Tuy nhiên năm nay thị trường chuối Khánh Sơn ế ẩm quá nên chúng tôi phải tự đưa về đồng bằng để bán. Mặc dù công vận chuyển rất khó khăn vì đường xa lại đèo dốc, nhưng khi đưa về đó tôi cũng bán được 7000-10.000 đồng/ kg. Nếu không đưa đi bán kịp thời, khi chuối chín quá, không ăn được nữa thì phải mang đổ đi và sẽ không có thu nhập”, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, một nông hộ trồng chuối tại xã Ba Cụm Bắc bày tỏ.
Rõ ràng là quả chuối khi đến tay người tiêu dùng trong tỉnh vẫn có giá không hề thấp. Nhưng khi ở đồng ruộng của người nông dân thì quả chuối chỉ có giá rẻ mạt, thậm chí ế ẩm, không thể bán được. Thực trạng nêu trên là điều hết sức vô lý. Và nếu chỉ có người nông dân tự xoay sở thì thực trạng vô lý ấy khó có thể được giải quyết.
Theo ông Cao Phạm Cưỡng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn, vừa rồi tại phiên kết nối cung cầu tại Nha Trang, Hội nông dân cũng kiến nghị Sở Công thương, Sở Nông nghiệp- Phát triển nông thôn và một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh cố gắng quan tâm hoặc thu mua các mặt hàng nông sản Khánh Sơn, trong đó có chuối. Nhưng cũng chỉ có một số doanh nghiệp tư nhân đồng ý muốn thu mua khoảng 1 tạ mỗi ngày. Với số lượng ít như thế thì công vận chuyển sẽ rất khó khăn.
Ông Đinh Ngọc Bình, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, thời gian qua, huyện cũng đã gặp và trao đổi với một số doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Mình về việc bao tiêu sản phẩm chuối Khánh Sơn. Tuy nhiên để đi đến thống nhất về vấn đề này thì cần phải có thời gian, chứ không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Đây không phải là năm đầu tiên chuối giảm giá, gây khó khăn cho bà con nông dân Khánh Sơn. Toàn huyện hiện có khoảng 550 ha chuối. Đây vẫn là loại cây trồng chủ lực của địa phương trong những năm tới. Tuy nhiên để bà con nông dân có nguồn thu ổn định từ cây chuối, thì việc tìm đầu ra ổn định, lâu dài cho loại nông sản này là điều người dân đang rất mong chờ ở các ngành, các cấp.
Thu mua chuối tại xã Thành Sơn
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn