Thời gian qua, một số hộ nông dân trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã đưa vào canh tác giống bưởi da xanh. Sau thời gian chăm sóc, loại cây trồng này tỏ ra thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Cách đây hơn 10 năm, ông Huỳnh Thu (thôn Du Oai, xã Sơn Lâm) là một trong những người đầu tiên đưa giống bưởi da xanh không hạt (xuất xứ từ miền Đông Nam Bộ) về trồng tại Khánh Sơn. Từ 1 cây giống ban đầu, đến nay ông đã phát triển được khoảng 1 ha. Trong đó có 40 cây đã cho thu hoạch, một số cây cho sản lượng trên 3 tạ/năm. Theo ông Thu, bưởi da xanh rất phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng tại Khánh Sơn, ít sâu bệnh, dễ chăm sóc và mang lại lợi nhuận kinh tế cao. “Cây bưởi bắt đầu ra quả sau 3-4 năm xuống giống và ra nhiều đợt trong năm nên ít rủi ro hơn các loại cây trồng khác chỉ cho thu hoạch 1 vụ trong năm. Cây càng lâu năm thì sản lượng càng tăng. Những cây khoảng 10 năm tuổi trở lên có thể mang lại thu nhập lên đến 20 triệu đồng/năm. Riêng năm 2016, gia đình tôi thu được 200 triệu đồng từ 40 cây bưởi, trừ chi phí còn lãi 180 triệu. Để góp phần mở rộng diện tích bưởi da xanh tại địa phương, thời gian qua, tôi cũng đã nhân giống được khoảng 5.000 cây và cung cấp cho bà con trong huyện”, ông Thu nói. , Từ hiệu quả kinh tế của cây bưởi da xanh, đến nay trên địa bàn xã Sơn Lâm đã có nhiều hộ gia đình đưa loại cây trồng này vào canh tác. “Năm 2017, xã có kế hoạch tiếp tục chuyển đổi khoảng 4 lúa nước, bắp kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Hiện nay Hội Nông dân xã đang tiến hành các bước thành lập tổ liên kết hợp tác trồng bưởi da xanh trên địa bàn. Khi thành lập xong sẽ giao cho những thành viên có kinh nghiệm giúp đỡ, hướng dẫn các hộ mới trồng về khoa học kỹ thuật và cây giống”, ông Cao Đinh, Chủ tịch Hội nông dân xã Sơn Lâm cho biết.
Không chỉ ở xã Sơn Lâm, thời gian qua, một số hộ gia đình ở các xã như: Ba Cụm Nam, Sơn Bình, Sơn Trung… cũng đã trồng thành công giống bưởi da xanh với hiệu quả kinh tế khá cao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện, bà con nông dân các xã, thị trấn hiện đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi. Một số xã đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc loại cây trồng này. Anh Mấu Thái Nhanh (thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình) cho biết: “Năm 2016, gia đình tôi đã chuyển đổi hơn 1 sào bắp sang trồng bưởi da xanh. Trước khi trồng tôi tham gia các lớp tập huấn, học hỏi thêm những người xung quanh về kỹ thuật trồng và chăm sóc nên hiện nay 50 cây bưởi da xanh của gia đình đang phát triển xanh tốt, hầu như không có sâu, bệnh”.
Theo lãnh đạo phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Khánh Sơn, sau mấy năm đưa vào canh tác tại địa phương, đến nay cây bưởi da xanh đã khẳng định hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên do mới trồng với số lượng ít, quy mô nhỏ nên sản lượng thu hoạch chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Đơn vị cũng đã xây dựng đề án: Hỗ trợ đầu tư trồng bưởi da xanh và chôm chôm giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn huyện với diện tích 220 ha. Trong đó, diện tích bưởi da xanh 150 ha. Nhằm mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng thâm canh các loại cây có giá trị kinh tế cao; đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Bà Bo Bo Thị Kiên, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn chó biết: “Để thực hiện hiệu quả đề án trồng bưởi da xanh thì phòng đã đề ra các giải pháp hỗ trợ những hộ gia đình tham gia thực hiện. Trong đó, tập trung hỗ trợ nguồn giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho bà con. Đối với những hộ được hỗ trợ thì cần đảm bảo đủ điều kiện về đất đai, điều kiện về sức lao động, đảm bảo được nguồn nước tưới, có tinh thần tích cực trong việc cải tạo lập vườn. Những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có diện tích chuyển đổi và đáp ứng được các yêu cầu của đề án sẽ được ưu tiên hỗ trợ đầu tư trước nhằm giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.
Ngành nông nghiệp huyện cũng đã xây dựng lộ trình thực hiện đề án từ nay đến năm 2020 cũng như các giải pháp nhằm tìm đầu ra ổn định cho người nông dân. Trong đó, dự kiến năm 2017, toàn huyện sẽ trồng mới khoảng 42 ha bưởi da xanh trên những diện tích trồng lúa nước, cây hằng năm, cây lâu năm kém hiệu quả.
Ảnh: Ông Huỳnh Thu đang chăm sóc bưởi da xanh.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn