Năm 2016, xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn) được bố trí nguồn kinh phí trên 1,3 tỷ đồng đầu tư làm mới đường giao thông nông thôn và hỗ trợ người dân nuôi bò cái sinh sản theo chương trình 135. Đến nay, các hạng mục công trình đều đã phát huy hiệu quả thiết thực, riêng hợp phần hỗ trợ các hộ nghèo phát triển chăn nuôi bước đầu đã có những kết quả khả quan.
Theo ông Tạ Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND xã, với phần lớn dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều hộ gia đình vẫn giữ thói quen chăn nuôi lạc hậu, không làm chuồng trại, thường chăn, thả rông trên rẫy nên vật nuôi hay mắc bệnh, chậm phát triển. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xác định, công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu và hướng dẫn từng hộ gia đình làm chuồng trại để che nắng, che mưa, phòng tránh bệnh tật cho vật nuôi là việc làm quan trọng hàng đầu khi triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo chương trình 135 (giai đoạn 2016-2020).
Năm 2016, hộ anh Mấu Lạnh (thôn Tà Giang 1) được hỗ trợ hơn 17 triệu đồng để phát triển bò cái sinh sản. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, gia đình anh đã chủ động bỏ thêm ngày công lao động và vật liệu để làm chuồng. Đồng thời đầu tư thêm 2 triệu đồng để đầu tư mua con giống ngay tại địa phương. “Đến nay, bò của gia đình tôi đang mang bầu, chuẩn bị sinh bê con. Sau khi bò sinh sản, chúng tôi sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt cho bê nhanh lớn và bán được giá. Đây thực sự là niềm hy vọng thoát nghèo của cả gia đình tôi trong những năm tới”, anh Lạnh vui mừng chia sẻ.
Khi chúng tôi đến thăm, chị Cao Thị A Xính (thôn A Pa 1) đang phấn khởi cho bò ăn cỏ, gia đình bà cũng là một trong những hộ gia đình trên địa bàn xã được hỗ trợ vốn mua bò cái sinh sản theo chương trình 135 năm 2016. Chị Xính vui mừng cho biết, bò cái của gia đình mình cũng đã mang bầu được khoảng 5-6 tháng, hiện đang rất khỏe mạnh. “Được cán bộ thú y thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ nên tôi nắm khá rõ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho bò. Hằng ngày tôi cho bò lên rẫy ăn cỏ, đến chiều tối thì dắt về cột trong chuồng, che chắn cẩn thận và cho bò uống nước muối ấm để không bị nhiễm lạnh”, chị Xính nói.
Ông Tạ Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, từ nguồn vốn chương trình 135, năm 2016, xã Thành Sơn có 17 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí (hơn 17 triệu đồng/ hộ) để nuôi bò cái sinh sản. Hầu hết các hộ gia đình đều chủ động đầu tư thêm từ 1-5 triệu đồng để mua con giống. Ông Phong cho biết: “Nhằm đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát huy hiệu quả, tránh tình trạng người dân mua phải vật nuôi kém chất lượng, xã đã cử cán bộ hướng dẫn, giám sát trong quá trình bà con lựa chọn con giống. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc và phòng tránh bệnh tật cho vật nuôi. Nhờ đó đến nay, tất cả số bò cái thuộc chương trình 135 năm 2016 trên địa bàn xã đều khỏe mạnh, phát triển tốt. Trong đó có khoảng 10 con đã mang bầu, đến khoảng tháng 3-tháng 4 sẽ sinh con. Thông qua chương trình này còn góp phần từng bước thay đổi tập quán chăn nuôi lạc hậu của đồng bào địa phương”.
Cùng với những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh, chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò cái sinh sản theo chương trình 135 tại xã Thành Sơn đang mang lại niềm hy vọng nâng cao thu nhập và thoát nghèo cho người dân. Qua đó sẽ góp phần hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Ảnh: Nhờ thực hiện tốt quy trình chăm sóc, bò của hộ chị Cao Thị A Xính phát triển khỏe mạnh. Ảnh: Quốc Nguyên.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn