TẾT CỦA NGƯỜI RAGLAI

Đọc tin
Tết của người Raglai bây giờ không chỉ có men say của rượu cần chếnh choáng hòa vào âm vang trầm hùng của đàn đá, mã la mà còn được điểm tô thêm sắc thắm của những cành đào Nhật Tân được du nhập vào từ chốn Kinh kỳ đất Bắc. Chút hương sắc hoa đào đã giúp những người con xa quê như tôi vơi bớt nỗi nhớ mùa xuân miền Bắc mỗi dịp năm hết tết đến.

Chiều cuối năm. Trên những nẻo đường dẫn đến xóm làng của đồng bào Raglai Khánh Sơn, các em nhỏ xúng xính trong bộ quần áo mới, bước chân người lớn vội vã gùi chuối từ trên rẫy về để bán lấy tiền sắm tết. Cuộc sống ngày càng phát triển, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc, nên bên cạnh lễ mừng lúa mới, những năm gần đây, đồng bào Raglai Khánh Sơn cũng tổ chức đón Tết Nguyên đán với đủ đầy những món ăn truyền thống như: canh bồi, thịt heo gác bếp và rượu cần (Tapai), bánh tét, đến những loại lương thực, thực phẩm cần thiết.
Rượu cần-kết tinh của núi rừng

Nếu nói về âm nhạc thì nhạc cụ đặc trưng của đồng bào Raglai là đàn đá, mã la; nói về văn học là những bộ sử thi đồ sộ; còn về ẩm thực thì không thể không nói đến Tapai. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mấu Quốc Tiến, rượu cần của người Raglai được ủ từ các loại ngũ cốc trồng trên rẫy như lúa, bắp, mì, bo bo, cao lương kết hợp với men rượu (được làm từ bột gạo, lá lốt, rễ ớt và rễ cây vàng đắng trên rừng). Công đoạn làm men rượu cần rất công phu nên chỉ có những người lớn tuổi, có kinh nghiệm mới biết làm.

Các loại ngũ cốc được luộc chín, để nguội, ủ với men trong ché từ vài tuần đến vài tháng mới được, rượu ủ càng lâu càng ngon, nước vàng óng như mật ong và có vị ngọt, thơm đậm đà đặc trưng. Ông Tiến cho biết: “Người Raglai gọi rượu cần là Tapai, có nghĩa là ngũ cốc ủ trong men. Đối với đồng bào Raglai, Tapai là sản phẩm của núi rừng, nương rẫy, là kết tinh của sức lao động và những công đoạn ủ rượu công phu, độc đáo. Do vậy, với đồng bào Raglai, Tapai không đơn thuần là một loại nước để uống mà còn là đặc sản truyền thống quý giá, biểu tượng của văn hóa vật chất-tinh thần nhưng cũng rất đỗi gần gũi, giản dị”. Cùng với âm thanh trầm hùng của đàn đá, mã la, Tapai là hương vị đặc trưng không thể thiếu trong những dịp lễ, tết, ngày hội quan trọng của đồng bào Raglai, kể cả Tết Nguyên đán.

Để tìm hiểu thêm về Tapai tôi tìm đến già làng Tro Hoàng Bang (thôn A Thi, xã Ba Cụm Bắc). Già làng Tro Hoàng Bang là một trong số ít bậc cao niên ở Khánh Sơn hiện vẫn còn giữ được cách làm rượu cần từ những nguyên liệu và phương pháp cổ xưa. Có lẽ vì vậy mà khi thấy có người hỏi về rượu cần, già Bang rất vui và sẵn sàng mời khách thưởng thức. Già Bang nói “Tapai rất quý, chỉ trong ngày lễ, tết mới có hoặc chỉ để mời khách quý thôi. Đã là khách quý thì không kể già hay trẻ, chủ nhà vẫn mời khách uống Tapai. Không chỉ trong những dịp lễ, tết, trong nhà tôi thường có một vài ché Tapai để tiếp khách quý”.

Trong rất nhiều loại rượu, có lẽ Tapai là loại duy nhất uống bằng một dụng cụ đặc biệt được gọi là cần. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Mấu Quốc Tiến, cần rượu được làm từ dây mây hoặc tre, trúc lấy trên rừng. Đây là dụng cụ để “hút rượu” từ từ và miệng, để người thưởng thức có thể từ từ cảm nhận hương vị ngọt ngào, thơm nồng nàn của Tapai. “Đối với rượu cần, người ta không uống một mình với mục đích nhậu nhẹt, giải sầu mà uống tập thể vào những dịp lễ tết, hội hè khi tiếp đãi bạn bè, khách quý.

Vào những ngày trọng đại đó, ché rượu được đặt trang trọng bên bếp lửa bập bùng; cả khách và chủ cùng quây quần xung quanh, ngất ngây trong tiếng đàn đá, mã la trầm bổng, vang vọng núi rừng, cùng “hút” say sưa, không cần dùng mồi nhắm”, ông Tiến nói. Bên ché rượu cần, người Raglai nói lời chúc Tết ông bà, cha mẹ, anh em, lối xóm, cả những chuyện nương rẫy, chuyện gia đình và cùng bàn tính những dự định cho năm mới. Qua ché rượu, người ta xích lại gần nhau hơn, thương yêu đùm bọc nhau hơn.



(Ảnh: Uống rượu cần Khánh Sơn).
Hoa đào lên núi
Từ quê Ninh Bình vào Khánh Sơn công tác được 10 năm, thì có đến 9 năm tôi ở lại đón Tết cùng đồng bào Raglai. Có lẽ vì thế mà dường như nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của tôi. Dẫu vậy nhiều lúc tôi vẫn cảm thấy nhớ quê hương ra riết, nhất là mỗi dịp tết đến, xuân về. Những lúc như vậy, tôi thường cùng “người bạn đường” rong ruổi trên khắp các nẻo đường miền sơn cước.

Đang miên man trong nỗi nhớ quê nhà, bỗng dưng bắt gặp sắc hồng thắm, đài các của cành đào Nhật Tân đang rung rinh trước làn gió núi, khiến tôi có cảm giác hương sắc mùa xuân miền Bắc đang ùa về trước mắt. Giữa muôn ngàn lá hoa, cây cỏ đua chen hương sắc giữa đại ngàn vùng núi thẳm rừng xa của xứ Trầm Hương lại có vườn đào Nhật Tân đang đua nhau khoe sắc. Những gốc đào đang vươn mình mạnh mẽ ngay giữa núi rừng Khánh Sơn, điểm tô cho sắc xuân phương Nam thêm phong phú, đa dạng, lòng tôi chợt thấy vui như gặp lại hình ảnh quê nhà.

Chủ nhân của vườn đào là ông Võ Duy Hùng (thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc). Ông Hùng cho biết, ông vốn là người miền Nam, cách đây hơn 20 năm ông đi bộ đội ở Bắc Giang, thấy mê hoa đào miền Bắc nên khi xuất ngũ ông đã mang về trồng thí điểm ở Khánh Sơn. Sau 22 năm, từ một vài gốc đào đầu tiên, nay vườn đào nhà ông đã phát triển lên gần 40 gốc.

Đến nay, ông Hùng là người duy nhất ở Khánh Sơn ươm giống thành công giống đào Nhật Tân. Sau nhiều năm tự tìm tòi, rút kinh nghiệm ông đã tìm ra kỹ thuật điều chỉnh cho cây đào phát triển, nở hoa theo ý muốn, đúng thời điểm mà không phải phụ thuộc vào thời tiết và ông cũng đã ghép thành công giống đào bích và đào phai. “Để làm được điều này, tôi đã phải bỏ ra 5-7 năm tự nghiên cứu, tì tòi, nhiều lần phải thức dậy từ 4-5 giờ sáng để chăm sóc cho cây đào.

Trải qua nhiều lần thất bại, cuối cùng tôi cũng đã thành công. Thời tiết năm nay nắng nhiều, hiện nay tôi đang áp dụng kỹ thuật hãm hoa nở sớm để hoa nở đúng vào dịp tết”, ông Hùng chia sẻ. Ông Hùng cũng cho biết, hiện tại khách hàng đã liên hệ đặt mua và thuê khoảng 10 gốc đào, với giá 1,5-4 triệu đồng/ gốc. Tuy nhiên, khoảng 25 tháng chạp trở đi thì mới nhiều người mua hoặc thuê đào trưng bày ngày Tết. Trừ chi phí, mỗi năm ông thu lãi vài chục triệu đồng nhờ cây đào. Bên cạnh những gốc đào đã cho hoa, hiện nay ông đã ươm thêm được hơn 100 cây giống và dự định năm tới sẽ trồng thêm khoảng 3 sào nữa.

Cuộc sống ngày càng được cải thiện, sự giao lưu, giao thoa, tiếp nhận nền văn hóa các vùng miền, các dân tộc anh em cùng sinh sống trên dải đất hình chữ “S” đã góp phần thúc đẩy sự phát triển cả về vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào Raglai nói riêng. Vì thế nên những năm gần đây, Tết của người Raglai không chỉ có canh bồi, thịt heo gác bếp và Tapai truyền thống mà còn có cả bánh tét, bánh kẹo, mứt tết, hoa mai, hoa cúc và được điểm tô thêm sắc thắm của hoa đào phương Bắc, khiến hương sắc xuân nơi núi rừng của xứ Trầm Hương càng thêm lung linh sắc màu.

Hoa đào Nhật Tân trồng ở Khánh Sơn

Ông Hùng (bên trái) đang giới thiệu về hoa đào).

Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn

 
Đầu trang
 
Trở về
 
In bài viết
Danh mục
Chỉ đạo, điều hành
Thông tin tuyên truyền
Dự án, hạng mục đầu tư
THỐNG KÊ, BÁO CÁO
Dịch vụ công trực tuyến
Tin tức - Sự kiện
Thông tin hoạt động
Văn bản mới Chuyển đổi số
KỲ HỌP HĐND HUYỆN KHÁNH SƠN
VĂN BẢN QPPL
Tiếp cận thông tin
Tuyển dụng
Thông tin trợ giúp DN NVV
THÔNG TIN CÔNG KHAI
Cải cách hành chính
Góp ý dự thảo
MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG
Lịch tiếp công dân PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUY HOẠCH Tài liệu Tiếp xúc cử tri Thông báo
Chương trình, đề tài NCKH
Công khai ngân sách
Video
Album
Bản đồ
Bản đồ hành chính
Học tập tư tưởng đạo đức HCM
Cải cách hành chính
SK-CCHC
Xuc tien dau tư
CCHC