KHÁNH SƠN: PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG NÔNG THÔN, ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI

Đọc tin
Sau hơn 30 năm tái lập huyện, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã có sự thay đổi đáng kể, từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện, góp phần tạo diện mạo mới và thúc đẩy kinh tế-xã hội miền núi phát triển.
Theo ông Phan Văn Lân, Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Khánh Sơn, bằng các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và vốn phân cấp huyện, đến năm 2014, Khánh Sơn đã đầu tư xây dựng 96 tuyến đường (đường liên xã, liên thôn, đường làng ngõ xóm, đường vào khu vực vùng lõm, đường vào khu sản xuất, đường nội thị), tổng chiều dài trên 121 km. Trong đó, 76 tuyến đường bê tông xi măng, bê tông nhựa và đường nhựa, với chiều dài gần 90 km tạo diện mạo khang trang cho khu vực nông thôn, miền núi. Trục đường huyết mạch tỉnh lộ 9 đã được cải tạo, nâng cấp; đường liên xã Sơn Trung, Sơn Hiệp, Sơn Bình được mở rộng nền đường... Các xã, thị trấn đều đã có đường ô tô vào trung tâm. Với đặc điểm địa hình phức tạp, bên cạnh các tuyến đường, Khánh Sơn cũng đã xây dựng 12 cầu, cống, cầu treo dân sinh tại những điểm qua sông, suối, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Điểm nhấn quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống giao thông nông thôn tại Khánh Sơn thời gian qua đó là việc đầu tư các cây cầu kiên cố trên tỉnh lộ 9 (những đoạn qua sông Tô Hạp) và mở các tuyến đường vào khu sản xuất. Năm 2009, cầu Hàm Leo bắc qua sông Tô Hạp được xây dựng (cây cầu kiên cố đầu tiên tại Khánh Sơn), nối liền xã Thành Sơn với huyện Bắc Ái (tỉnh Ninh Thuận) đã góp phần phá vỡ thế độc đạo của huyện trong suốt thời gian dài, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, giao thương hàng hóa với các địa phương lân cận. Tiếp theo đó là 4 cây cầu kiên cố khác được tỉnh đầu tư xây dựng trên tỉnh lộ 9 (đoạn qua xã Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp, xã Sơn Hiệp và Sơn Bình). Hệ thống cầu kiên cố này đã góp phần đảm bảo giao thông thông suốt, không còn tình trạng ứ đọng hàng hóa nông sản, kể cả trong mùa mưa lũ. Bà Bo Bo Thị Niệm (thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp) chia sẻ: “Trước kia chưa có cầu kiên cố, trong mùa mưa lũ, thôn Dốc Gạo thường bị cô lập cả tuần lễ. Trẻ em đi học hay người lớn muốn đi chợ thì phải đi vòng qua đường núi, khó khăn lắm. Nhưng những ngày nước lớn quá, học sinh cũng phải nghỉ học. Còn bây giờ đã có cầu C10 được xây dựng kiên cố, đi lại rất thuận tiện, khi có mưa lũ, các em học sinh cũng không lo phải nghỉ học nữa”.
Để tận dụng tiềm năng đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, vận chuyển nông sản, nâng cao giá trị hàng hóa, mấy năm gần đây, huyện Khánh Sơn đã tập trung đầu tư nâng cấp, mở các tuyến đường vào khu sản xuất tại tất cả các xã, thị trấn. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung với những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. “Từ năm 2013 có đường bê tông vào khu sản xuất, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn trước rất nhiều. Vào mỗi vụ thu hoạch, xe tải vào tận rẫy thu mua nông sản, giá cả cũng ổn định hơn, nên bà con ở đây rất phấn khởi”, ông Trần Văn Quốc, một người dân xóm 8, thôn Liên Bình, xã Sơn Bình cho biết.
Với hệ thống giao thông ngày càng phát triển, hằng năm khối lượng vận chuyển, luân chuyển hàng hóa, vận tải hành khách trên địa bàn huyện Khánh Sơn đều tăng và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị cước vận tải thực hiện năm 2014 là 1,1 tỷ đồng, đạt 113% kế hoạch.
Theo ông Phan Văn Lân, Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Khánh Sơn, hiện nay, toàn huyện vẫn còn trên 10 tuyến đường đất, với chiều dài khoảng 30 km chưa được cững hóa. Nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa hệ thống giao thông hằng năm rất hạn chế. Một số khu vực sản xuất chưa được đầu tư làm đường, nên người dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa. “Xác định giao thông-vận tải là yếu tố quan trọng hàng đầu, cần đi trước một bước nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, chuyển đổi nền kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Do vậy trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông nội thị; tiếp tục mở các tuyến đường vào khu sản xuất, đồng thời đầu tư cứng hóa các tuyến đường đất còn lại”, ông Lân cho biết.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã có chủ trương tiếp tục cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 9, đầu tư xây dựng cầu kiên cố-đoạn nối xã Sơn Lâm và Thành Sơn; đồng thời mở tuyến đường nối liền khu du lịch thác Tà Gụ-Hòn Bà-Yang Bay phục vụ khai thác du lịch sinh thái, tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững.

(Ảnh: Cầu C10 góp phần đảm bảo giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ).

Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn
 
Đầu trang
 
Trở về
 
In bài viết
Danh mục
Chỉ đạo, điều hành
Thông tin tuyên truyền
Dự án, hạng mục đầu tư
THỐNG KÊ, BÁO CÁO
Dịch vụ công
Tin tức - Sự kiện
Thông tin hoạt động
Văn bản mới CHUYỂN ĐỔI SỐ
KỲ HỌP HĐND HUYỆN KHÁNH SƠN
VĂN BẢN QPPL
Tuyển dụng
Tiếp cận thông tin
Thông tin trợ giúp DN NVV
THÔNG TIN CÔNG KHAI
Chương trình, đề tài NCKH
Công khai ngân sách
ĐẤU THẦU
MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG
Lịch tiếp công dân PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUY HOẠCH Thông báo
Cải cách hành chính
Video
Album
Bản đồ
Bản đồ hành chính
Học tập tư tưởng đạo đức HCM
AI_congdan
Cải cách hành chính
SK-CCHC
Xuc tien dau tư
CCHC