Hẩm hiu... thân phận cà phê

Đọc tin
Tại một số xã ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa), thời điểm này, bên cạnh các sân phơi đầy ắp những hạt cà phê vừa thu hoạch là những gốc cà phê bị chặt bỏ, bứng gốc. Hình ảnh này khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, tiếc nuối loại cây trồng đã gắn bó với người dân Khánh Sơn hơn 20 năm qua.

Phá bỏ cà phê để trồng cây khác

Ở xã Sơn Bình, chúng tôi bắt gặp không ít vườn cà phê đã bị đốn hạ. Ông Văn Tấn Đạt (thôn Liên Hòa) đang cùng nhân công chặt hạ 0,4ha cà phê vừa mới thu hoạch để kịp dọn vườn trồng sầu riêng và bưởi da xanh. Nhớ lại thời hoàng kim của cây cà phê trên đất Khánh Sơn, ông kể: “Trước đây, người dân Khánh Sơn chủ yếu trồng bắp, mì, lúa nước, lúa rẫy... Những cây trồng này chưa đủ giúp người dân vượt qua cái đói lúc giáp hạt, nói gì đến chuyện làm giàu. Từ năm 1994, khi cây cà phê được đưa về trồng thử nghiệm ở Khánh Sơn, chỉ 4 năm sau đã cho thu hoạch, nhờ giá bán cao nên nhiều gia đình đã đổi đời từ loại cây này. Cũng từ đó, cây cà phê bắt đầu khẳng định được vị trí trên đất Khánh Sơn. Người người đua nhau trồng cà phê, nhà nhà đầu tư cho cây cà phê, chẳng mấy chốc diện tích cà phê tăng lên hàng trăm hecta”.

Đề cập đến chuyện chặt bỏ loại cây này, ông Đạt cho hay: “Cây cà phê đã gắn bó với chúng tôi mấy chục năm nay. Gia đình tôi xây được nhà, mua được xe cũng nhờ loại cây này. Tuy nhiên, cà phê trồng ở Khánh Sơn chủ yếu là cà phê vối. Ngót 20 năm, cây cà phê nay đã bị thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp, trong khi việc đầu tư đòi hỏi vốn lớn, nhiều công chăm sóc nên lời lãi chẳng bao nhiêu. Nhiều gia đình ở Sơn Bình và các xã lân cận đã quyết định phá bỏ cà phê”.

Người dân bứng gốc cà phê tại Sơn Bình
Khi chúng tôi đến, ông Lê Anh Quang (thôn Liên Hòa), cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Sơn Bình cũng đang cùng người nhà chặt bỏ vườn cà phê. Gia đình ông có 2ha cà phê. Cách đây 6 năm, ông trồng xen cây sầu riêng vào giữa vườn cà phê, nay sầu riêng đã cho thu hoạch, ông quyết định phá bỏ toàn bộ cà phê để sầu riêng phát triển. Ông còn đưa vào trồng một số loại cây ăn quả khác như: bưởi da xanh, quýt đường trên diện tích này. Theo phân tích của ông, đầu tư trồng bưởi da xanh, quýt đường hay hồ tiêu chi phí thấp hơn nhưng hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn như cây bưởi da xanh đầu tư 1ha chỉ khoảng 20 triệu đồng, đến khi thu hoạch cho hơn 20 tấn quả, với giá bán 27.000 đồng/kg, nông dân bỏ túi hơn 500 triệu đồng/năm. Trong khi 1ha cà phê chỉ được 2 tấn nhân, với giá bán 31.000 đồng/kg, nông dân chỉ thu được hơn 60 triệu đồng.

Cũng theo ông Quang, tại Sơn Bình, phong trào chuyển đổi từ cà phê sang các loại cây trồng khác đã diễn ra mấy năm gần đây, nhưng ồ ạt nhất vào năm 2015 với gần 30ha trong tổng số 135ha cà phê của xã. Một số xã khác như: Sơn Hiệp, Sơn Lâm, tình trạng chặt bỏ cà phê cũng đang diễn ra, tuy không ồ ạt bằng Sơn Bình nhưng theo ước tính diện tích phá bỏ cũng lên đến hàng chục hecta.

Nhiều người dân cho rằng đây là đợt thu hoạch cà phê cuối cùng

Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều nông dân cho rằng, trước đây, ở Khánh Sơn cà phê là số 1. Nhưng bây giờ, hồ tiêu và các loại cây ăn quả như: sầu riêng, quýt đường, bưởi da xanh... đã khẳng định được hiệu quả thì việc thay thế cà phê bằng các loại cây trồng mới cho giá trị kinh tế cao, giúp nông dân địa phương làm giàu là điều hợp lý. Gia đình ông Phạm Hồng Tuyến (thôn Liên Hòa) là một trong những hộ tiên phong chặt bỏ cà phê để trồng hồ tiêu. Ông cho hay: “Cách đây 3 năm, tôi đã quyết định phá bỏ cà phê để trồng hồ tiêu. Hiện nay, trong vườn tôi trồng 300 trụ hồ tiêu, 40 trụ đã cho thu hoạch. Năm nay, gia đình sẽ thu hoạch được khoảng 500kg hạt tiêu khô. Giá bán hạt tiêu khô hiện nay rất cao, đại lý thu mua tận nhà giá 220.000 đồng/kg. Hiệu quả cây hồ tiêu mang lại lớn nên gia đình tôi tiếp tục đầu tư trồng 300 trụ nữa”. Chúng tôi được biết, không ít hộ trong thôn cũng đang chuyển sang trồng hồ tiêu.

Cần cải tạo, chuyển đổi giống thay vì chặt bỏ ồ ạt

Theo ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm, hiện nay, địa phương có hơn 180ha cà phê, chủ yếu được trồng từ những năm 1994 - 1997. Ở Sơn Lâm không có tình trạng người dân ồ ạt chặt bỏ cà phê, nhưng việc chuyển đổi vẫn âm thầm diễn ra ở một số hộ người Kinh có điều kiện kinh tế. Thực tế ở Sơn Lâm, diện tích đất phù hợp để phát triển cây ăn quả không nhiều, cà phê vẫn là cây trồng chủ lực, chưa có cây trồng nào đủ sức thay thế. “Vấn đề đặt ra đối với địa phương là khuyến khích người dân cải tạo vườn cà phê, thay đổi giống, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng”, ông Nguyên chia sẻ.

Người dân chuyển sang trồng bưởi da xanh

Trao đổi với ông Lê Anh Quang, chúng tôi được biết, Sơn Bình là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển các loại cây ăn quả và hồ tiêu. Tuy nhiên, địa phương khuyến cáo người dân chỉ nên chuyển đổi những diện tích cà phê đã thoái hóa, năng suất thấp. Những diện tích cà phê giống mới cần được tập trung đầu tư, chăm sóc, bởi có đầu tư thì cây cà phê mới cho hiệu quả. Điều khiến ông Quang lo lắng là hiện nay, do diện tích hồ tiêu, quýt đường, bưởi da xanh còn ít nên giá bán cao, tiêu thụ dễ dàng. Đến khi diện tích tăng nhanh, đầu ra lớn thì tính hiệu quả sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, những cây trồng này còn mới, kinh nghiệm sản xuất, cách phòng trừ dịch bệnh của người dân chưa nhiều nên tiềm ẩn rủi ro.

Trên địa bàn huyện Khánh Sơn hiện nay có gần 600ha cà phê, trong đó phần lớn diện tích đang cho thu hoạch. Năm nay, nắng hạn đã khiến một số diện tích cà phê trên địa bàn bị ảnh hưởng, chủ yếu do cây mất sức, cho quả nhỏ, chậm phát triển. Ngoài ra, hầu hết diện tích cà phê trên địa bàn là giống cũ, già cỗi (chiếm 70%) nên năng suất đạt thấp. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn, những năm qua, nông nghiệp Khánh Sơn có sự chuyển mình theo hướng nông nghiệp hàng hóa, huyện định hướng sẽ tập trung phát triển theo hướng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản chủ lực, trong đó có cây cà phê. Đối với cây trồng này, định hướng của huyện là duy trì diện tích khoảng 500ha; chú trọng chuyển đổi giống mới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. “Chúng tôi khuyến cáo người dân không ồ ạt phá bỏ cây cà phê để chuyển đổi sang các cây trồng khác, chỉ khuyến khích người dân cải tạo, chuyển đổi giống cà phê đã thoái hóa sang những giống mới năng suất cao hơn. Ở một số khu vực không phù hợp để phát triển cà phê thì khuyến khích người dân chuyển đổi sang cây trồng khác”, ông Hiếu nói.


Phát biểu trong buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong thời gian tới cần được gắn kết chặt chẽ với thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Những cây trồng, sản phẩm nông sản nào xuất khẩu được thì nhất thiết phải tái cơ cấu để đầu tư, phát triển bền vững”.


Rõ ràng, cây cà phê đã khẳng định được vị thế của mình trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam, việc cải tạo lại các vườn cà phê, chuyển đổi giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê ở Khánh Sơn cần được làm ngay. Việc người dân chặt bỏ cà phê để chuyển sang cây trồng khác sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển nông nghiệp của địa phương, không những thế còn tiềm ẩn những hệ lụy khó lường.


HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG
Báo Khánh Hòa
 
Đầu trang
 
Trở về
 
In bài viết
Danh mục
Chỉ đạo, điều hành
Thông tin tuyên truyền
Dự án, hạng mục đầu tư
THỐNG KÊ, BÁO CÁO
Dịch vụ công
Tin tức - Sự kiện
Thông tin hoạt động
Văn bản mới CHUYỂN ĐỔI SỐ
KỲ HỌP HĐND HUYỆN KHÁNH SƠN
VĂN BẢN QPPL
Tuyển dụng
Tiếp cận thông tin
Thông tin trợ giúp DN NVV
THÔNG TIN CÔNG KHAI
Chương trình, đề tài NCKH
Công khai ngân sách
ĐẤU THẦU
MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG
Lịch tiếp công dân PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUY HOẠCH Thông báo
Cải cách hành chính
Video
Album
Bản đồ
Bản đồ hành chính
Học tập tư tưởng đạo đức HCM
AI_congdan
Cải cách hành chính
SK-CCHC
Xuc tien dau tư
CCHC