DẠY NGHỀ GẮN VỚI GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM: HIỆU QUẢ TÍCH CỰC

Đọc tin
Là địa bàn miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm trên 47%. Do đó, công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân luôn được huyện Khánh Sơn quan tâm chú trọng hàng đầu. Một trong những giải pháp đang được địa phương triển khai thực hiện khá hiệu quả đó là đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động.
Anh Bo Bo Lục (thôn Tà Gụ, xã Sơn Hiệp) là một trong những trường hợp đầu tiên được nhận vào làm công nhân may tại Công ty May Sài Gòn 2 (thành phố Hồ Chí Minh) vào năm 2011 theo chương trình phối hợp dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động giữa Trung tâm Dạy nghề Khánh Sơn (nay là Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Khánh Sơn) và Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện với doanh nghiệp này. Đến nay, anh Lục đã trở thành một công nhân lành nghề, với mức thu nhập chính khoảng 8 triệu đồng/ tháng. Anh cũng đã được kết nạp vào Đảng Công sản Việt Nam, được công ty phân công làm nhiệm vụ Chủ tịch Công đoàn cơ sở, kiêm công tác đoàn thanh niên và quản lý đội ngũ công nhân đến từ Khánh Sơn. "Trước đây, gia đình em thuộc diện hộ nghèo. Sau khi vào làm công nhân tại Công ty May Sài Gòn 2 (thành phố Hồ Chí Minh) em đã giúp gia đình thoát nghèo và xây được căn nhà mới khang trang. Bản thân em cũng mới mua được chiếc xe máy trị giá 50 triệu đồng làm phương tiện đi lại”, anh Lục chia sẻ.
Chị Mấu Thị Hồng Muội (thôn A Thi, xã Ba Cụm Bắc) cho biết, sau khi học hết THPT, chị đã đăng ký học nghề may tại Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Khánh Sơn và sau đó được nhà trường giới thiệu vào làm viêc tại Công ty May Sài Gòn 2 đến nay đã hơn 2 năm. Với khoản thu nhập 4-5 triệu đồng/ tháng, chị đã góp phần đáng kể giúp cha mẹ nuôi hai em ăn học và sửa chữa nhà cửa. Gia đình chị nay cũng đã thoát nghèo. “Trong quá trình làm việc tại Công ty May Sài Gòn 2, chúng em được tạo điều kiện về nơi ăn chốn ở, được công ty đóng BHXH, BHYT đầy đủ nên cũng yên tâm làm việc. Dự kiến sau này, 2 em của em cũng sẽ đăng ký học nghề may để vào làm việc tại doanh nghiệp này”, chị Muội nói.
Sau gần 10 năm liên kết với các doanh nghiệp trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động, đến nay, huyện Khánh Sơn có hơn 300 công nhân đang làm việc tại Công ty may Sài Gòn 2 (thành phố Hồ Chí Minh). Trước khi vào công ty, họ đã được hỗ trợ học nghề tại Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Khánh Sơn. Hoặc một số trường hợp do doanh nghiệp tự đào tạo nghề. Đến nay, mức lương doanh nghiệp trả cho người lao động từ 3,5-8 triệu đồng/người/ tháng. “Thời gian đầu, nói chung những công nhân đến từ Khánh Sơn chưa quen với môi trường làm việc xa nhà. Nhưng nhờ tổ chức đoàn thanh niên, công đoàn của công ty động viên, hướng dẫn họ cách tiếp cận với ngành nghề công nghiệp, cách tiếp cận với cuộc sống, sinh hoạt của người công nhân lao động trong doanh nghiệp nên dần dần họ đã quen với công việc và cuộc sống ở đây. Hiện nay, tinh thần làm việc của đội ngũ công nhân đến từ Khánh Sơn rất tốt, thực hiện nghiêm kỷ luật của công ty”, ông Ngô Trung Kiên, Tổng Giám đốc Công ty May Sài Gòn 2, thành phố Hồ Chí Minh nhận xét.
Hầu hết số lao động đang làm việc tại Công ty may Sài Gòn 2, trước đây đều xuất thân từ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Với nguồn thu nhập ổn định từ khi đi làm công nhân, phần lớn họ đã giúp gia đình thoát nghèo, cải thiện đời sống. Theo ông Đỗ Quang Thiện-Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Khánh Sơn-từ hiệu quả của việc dạy nghề gắn với nhu cầu của xã hội trong thời gian qua, hiện nay, nhà trường đang chú trọng đào tạo một số ngành nghề hệ trung cấp như: xây dựng, may, nghiệp vụ nhà hàng, lâm sinh và sẽ mở thêm khóa học nghề thú y theo yêu cầu của doanh nghiệp, địa phương và người lao động. Theo kế hoạch, năm 2018, nhà trường tiếp tục giới thiệu hơn 100 học viên may, kỹ thuật xây dựng vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. “Đối với lớp may thời trang, chúng tôi chia làm 2 nhóm. Một nhóm vào Công ty May Sài Gòn 2 để các em tập làm quen với dây truyền công nghệ để khi ra trường có thể làm việc được; một nhóm xuống Công ty may Cam Ranh, vì những em này điều kiện không thể đi xa được. Còn những học viên kỹ thuật xây dựng, chúng tôi gửi vào thực tập tại Doanh nghiệp Tư nhân Phương Đài ở ngay tại Khánh Sơn. Sau khi tốt nghiệp, các doanh nghiệp trên sẽ nhận toàn bộ học sinh của trường”, ông Thiện thông tin thêm.
Theo lãnh đạo Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Khánh Sơn, thực tế cho thấy, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động là một hướng đi khá hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương. Do đó, trong thời gian tới, đơn vị phối hợp với các ngành liên quan và các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân, nhất là người lao động thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các lớp dạy nghề và mạnh dạn đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, cũng như tham gia xuất khẩu lao động ra nước ngoài./.
 
Giờ thực hành lớp nghiệp vụ nhà hàng. Ảnh: Hoàng Qúy

Giờ thực hành lớp kỹ thuật xây dựng. Ảnh: Hoàng Qúy

Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn
 
 
Đầu trang
 
Trở về
 
In bài viết
Danh mục
Chỉ đạo, điều hành
Thông tin tuyên truyền
Dự án, hạng mục đầu tư
THỐNG KÊ, BÁO CÁO
Dịch vụ công trực tuyến
Tin tức - Sự kiện
Thông tin hoạt động
Văn bản mới Chuyển đổi số
KỲ HỌP HĐND HUYỆN KHÁNH SƠN
VĂN BẢN QPPL Thông tin trợ giúp DN NVV
Tiếp cận thông tin
Tuyển dụng
THÔNG TIN CÔNG KHAI
Cải cách hành chính
Chương trình, đề tài NCKH
Công khai ngân sách
Góp ý dự thảo
MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG
Lịch tiếp công dân PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUY HOẠCH Tài liệu Tiếp xúc cử tri Thông báo
Video
Album
Bản đồ
Bản đồ hành chính
Học tập tư tưởng đạo đức HCM
Cải cách hành chính
SK-CCHC
Xuc tien dau tư
CCHC