Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Khánh Sơn đã tích cực giải ngân cho hàng trăm khách hàng tại xã Sơn Trung và thị trấn Tô Hạp. Đây đang là kênh tín dụng có vai trò hỗ trợ đắc lực cho người dân tại hai địa phương trên trong việc giải quyết khó khăn về nguồn vốn đầu tư thực hiện các mô hình sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.
Theo chân cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Khánh Sơn, tôi đến thăm vườn cây ăn quả rộng chừng 3 ha của hộ gia đình ông Nguyễn Tâm Thích (thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp), với hàng trăm cây sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm mang lại thu nhập từ 400-trên 700 triệu đồng. Theo ông Thích, để có được kết quả đó, một phần cũng là nhờ có sự đồng hành của Ngân hàng CSXH huyện, tạo điều kiện cho gia đình được vay nguồn vốn giải quyết việc làm trong thời gian qua. “Với diện tích cây trồng khá lớn, nếu chỉ dựa vào kinh phí của gia đình thì khó có thể đầu tư mua đầy đủ phân bón, thuốc men để chăm sóc phòng bệnh hằng năm cho cây trồng, cộng thêm dụng cụ, máy móc, hệ thống tưới tiêu nữa. Nhờ tổ tiết kiệm vay vốn thôn Dốc Gạo tạo điều kiện cho gia đình tôi vay nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư chăm sóc cây trồng đến nơi, đến chốn nên đã mang lại hiệu quả kinh tế như ngày hôm nay”, ông Thích nói.
Do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên trước đây gia đình bà Phan Thị Đức (thôn Ma O, xã Sơn Trung) chỉ có thể trồng mì và một số loại cây ngắn ngày trên diện tích 6 sào vườn ngay cạnh nhà. Năm 2017, bà được tổ tiết kiệm vay vốn của thôn tín chấp, tạo điều kiện và vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện. Từ đó bà đầu tư chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác. Bà Đức cho biết: “Mấy năm trước, tôi cũng đã 20 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm để đầu tư chăn nuôi bò, heo. Sau đó đã hoàn trả vốn và lãi trước thời hạn. Đồng thời, quyết định vay lại 50 triệu đồng để đầu tư trồng cây quýt đường và bưởi da xanh. Hiện tại quýt đường cũng đã bắt đầu ra bông. Bên cạnh đó, tôi cũng đang tiếp tục xuống giống sầu riêng”.
Theo bà Phan Thị Kim Hồng, Tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm thôn Ma O (xã Sơn Trung), thực hiện Nghị định 61-NĐ/CP, ngày 9/7/2015 của Chính phủ “Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm”, đến nay tổ của bà đã có trên 20 người được vay vốn giải quyết việc làm để trồng cây lập vườn. Sau khi đi kiểm tra, các hộ gia đình đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, hằng tháng đều trả vốn và lãi đúng quy định.
Theo lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện Khánh Sơn, xã Sơn Trung và thị trấn Tô Hạp là hai địa phương không được thụ hưởng chính sách cho vay nguồn vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Do vậy, xác định nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân tại hai địa phương này tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền; chủ động phối hợp với các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay. Với mức vay tối đa 50 triệu đồng/hộ, đến nay, tổng dư nợ nguồn vốn giải quyết việc làm của xã Sơn Trung và thị trấn Tô Hạp khoảng 22,6 tỷ đồng, với 559 khách hàng. Phần lớn nguồn vốn vay được bà con đầu tư trồng và chăm sóc cây ăn quả, cây công nghiệp. Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, hạn chế tình trạng nợ xấu, nợ quá hạn, Ngân hàng CSXH đã tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương và các tổ chức đoàn thể làm tốt ngay từ khâu bình xét cho vay, đảm bảo đúng đối tượng; đồng thời tuyên truyền, định hướng cho người dân lựa chọn phướng án sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, các tổ tiết kiệm vay vốn thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay của hội viên, kịp thời phát hiện và báo cáo cấp trên xử lý các trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích. Đến nay, nhiều hộ khách hàng đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, nguồn thu nhập được cải thiện, góp phần nâng cao đời sống gia đình, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.
“Từ năm 2017, nguồn vốn vay giải quyết việc làm phân bổ về cho Khánh Sơn đã tăng lên nhiều so với trước đây. Do đó, số lượng khách hàng được vay vốn tại xã Sơn Trung và thị trấn Tô Hạp cũng tăng khá nhanh. Theo kế hoạch, năm 2018, Ngân hàng CSXH Khánh Sơn được phân bổ 10 tỷ đồng nguồn vốn vay giải quyết việc làm để giải ngân cho 2 địa phương trên. Vừa qua, đơn vị đã giải ngân trên 6 tỷ đồng cho 152 khách hàng. Từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các dự án đang thực hiện và đảm bảo cho vay đúng đối tượng đối với các dự án cho vay vốn mới, bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước. Đồng thời tiếp tục giải ngân khoảng 3,4 tỷ đồng cho trên 140 khách hàng, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động”, ông Nguyễn Văn Nghiệm, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng CSXH huyện Khánh Sơn nói./.
Nhờ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, người dân xã Sơn Trung
có điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ảnh: Quốc Nguyên.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn