Đến nay, các xã của huyện Khánh Sơn đã đạt chuẩn tiêu chí giao thông nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, để đảm bảo duy trì lâu dài và nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông, các xã đang cần được hỗ trợ nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa các tuyến đường đã làm nhiều năm, bị hư hỏng, xuống cấp.
7/7 xã hoàn thành tiêu chí giao thông
Khu vực sản xuất thôn Cô Róa (xã Sơn Lâm) rộng khoảng 200 ha, với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp. Những năm trước đây, điều kiện giao thông đi lại khó khăn nên giá cả vận chuyển hàng hóa nông sản tăng cao, làm giảm thu nhập của bà con nông dân. Năm 2017, huyện đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng làm đường bê tông xi măng khang trang, rộng rãi, phương tiện giao thông có thể đi vào gần nương rẫy, giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản thuận lợi hơn rất nhiều. “Trước kia đường xá đi lại khó khăn, chúng tôi vận chuyển các mặt hàng nông sản rất vất vả, giá cả cũng thấp, chỉ có 2.000-2.500 đồng/ 1 kg chuối. Nhưng bây giờ Nhà nước đã làm đường bê tông, đi lại thuận tiện, an toàn, không bị té, trượt như trước kia nữa. Giá chuối hiện tại cũng bán được 4.000 đồng/ 1 kg”, ông Cao Xiêng A-một người dân thôn Cô Róa, xã Sơn Lâm vui mừng chia sẻ.
Theo lãnh đạo UBND xã Sơn Hiệp, những năm qua, xã đã tập trung các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn. Năm 2016, xã đã hoàn thành tiêu chí giao thông theo chuẩn NTM. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có tỷ lệ km đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ km đường thôn và đường liên thôn cứng hóa đạt 100%; 78% đường ngõ, xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 81% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiên quanh năm. Qua đó đã tạo diện mạo khang trang nà động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương ngày càng phát triển.
“Đến nay, 7/7 xã của huyện Khánh Sơn đã được công nhận hoàn thành tiêu chí giao thông theo chuẩn NTM, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, khai thác tiềm năng đất đai, hình thành các khu sản xuất tập trung, từ đó nâng cao giá cả hàng hóa, góp phần tăng thu nhập, giảm hộ nghèo”, ông Phan Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Thiếu kinh phí duy tu, sửa chữa
Với đặc thù miền núi, địa hình phức tạp, nhiều sông, suối, hằng năm do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn tại Khánh Sơn bị hỏng. Hoặc một số tuyến đường do đã được xây dựng nhiều năm nên bị xuống cấp. Nhưng nguồn kinh phí của các xã dành cho việc duy tu, sửa chữa đường giao thông hằng năm rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu thực tế. Thực trạng nêu trên, trước hết ảnh hưởng đến việc đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân tại một số khu vực, địa bàn dân cư. Đồng thời gây khó khăn trong việc duy trì mức độ đạt chuẩn về tiêu chí giao thông tại các xã.
Theo ông Lê Ánh Sáng, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, xã đã đạt chuẩn tiêu chí giao thông NTM năm 2014. Song để đảm bảo duy trì tiêu chí giao thông bền vững, lâu dài thì địa phương còn gặp nhiều khó khăn. “Bởi hiện nay trên địa bàn xã có một số tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp như: đoạn vào cầu treo thôn A Pa 2, đoạn từ tỉnh lộ 9 vào khu vực Suối Chó…Nguồn ngân sách phân cấp của xã mỗi năm được 1 tỷ, trong đó được trích khoảng 5% (tương đương 50 triệu đồng) để duy tư, sửa chữa, khắc phục những tuyến đường bị hư hỏng. Tuy nhiên, thực tế, với số tiền trên, xã chỉ có thể tiến hành phát dọn, khơi thông cống rãnh là chủ yếu. Còn để duy tu, sửa chữa kịp thời các tuyến đường bị hư hỏng thì địa phương rất cần được cấp trên hỗ trợ thêm về kinh phí”, ông Sáng nói.
Hiện nay, các xã cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực để tiếp tục làm mới, nâng cấp những tuyến đường giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất chưa được đầu tư, để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông tại địa bàn miền núi và nâng cao chất lượng tiêu chí giao thông theo chuẩn NTM. “7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới về tiêu chí giao thông. Kết quả đó thể hiện sự quan tâm đầu tư của các ngành, các cấp đối với khu vực miền núi, sự nỗ lực phấn đấu địa phương. Hệ thống giao thông được đầu tư có ý nghĩa, tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Tuy nhiên, hiện nay, các xã còn một số tuyến đường nội đồng đi vào các khu sản xuất còn khó khăn. Huyện cũng kiến nghị tỉnh và các ngành liên quan quan tâm hỗ trợ về kinh phí để làm mới, nâng cấp hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông cần thiết cho việc phục vụ người dân đi lại, khai thác tiềm năng đất đai, mở rộng sản xuất, phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế, vận chuyển hàng hóa và nâng cao giá cả các mặt hàng nông sản”, ông Sửu nói.
Đường giao thông vào khu sản xuất thôn Cô Róa (xã Sơn Lâm)
được làm khang trang, thuận tiện. Ảnh: Quốc Nguyên
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn