Ở thôn Dốc Gạo (thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn), nhiều người biết ông Lê Đăng Thung là một cựu chiến binh (CCB) sản xuất giỏi, với mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
CCB Lê Đăng Thung sinh năm 1960, quê gốc ở Nghệ An. Năm 1994, gia đình ông vào Khánh Sơn lập nghiệp. Từ 4 sào đất ban đầu, đến nay, CCB Lê Đăng Thung đã tạo dựng được cơ ngơi khá giả. Nguồn thu chủ lực của gia đình ông hiện nay là gần 6 ha cây ăn quả bao gồm: sầu riêng, cà phê, chôm chôm, măng cụt, chuối, mía tím…. Ngoài ra, tận dụng địa hình thuận lợi, ông đào ao thả cá, nuôi gà để tăng thêm thu nhập. Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc nên các loại cây trồng trong vườn nhà ông luôn phát triển tốt và cho năng suất cao, mang lại nguồn thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2015, gia đình ông thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Năm 2016, nhờ sầu riêng được mùa, được giá, nguồn thu của gia đình tăng lên hơn 800 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông còn lãi khoảng 500 triệu.
CCB Lê Đăng Thung cho biết, để có được những thành quả như ngày hôm nay, gia đình đã phải trải qua những tháng ngày vất vả, cực nhọc và cả những thất bại trong làm ăn. Nhưng với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” xưa thắng giặc, nay thắng nghèo, cùng với sự hỗ trợ của tổ chức hội, ông đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu. “Những ngày đầu vào Khánh Sơn lập nghiệp chỉ với hai bàn tay trắng, hai vợ chồng tôi phải làm vất vả mới mua được mấy sào đất. Khi ấy ở đây còn rừng núi hoang sơ, chúng tôi phải khai phá, cải tạo đất đai mới trồng cây được. Do không có tiền thuê nhân nên ngày nào hai vợ chồng tôi cũng phải làm đến 7-8 giờ tối mới nghỉ. Sau đó tôi vay ngân hàng 40 triệu đồng để đầu tư trông cà phê. Đến khi cà phê được thu hoạch, điều kiện kinh tế gia đình mới đỡ khó khăn”, ông Thung nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp.
Theo CCB Lê Đăng Thung, để có được mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, ngoài sự cần cù lao động, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thì việc nắm bắt nhu cầu thị trường để quyết định trồng cây gì cũng là yếu tố quan trọng. Do đó, hiện nay, bên cạnh sầu riêng, cà phê, hồ tiêu, măng cụt….ông tiếp tục trồng thêm khoảng 300 cây da xanh. Đối với diện tích vườn đồi, ông chuyển đổi những loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng keo. Hiện nay gia đình ông đã phát triển được trên 15 ha keo, trong đó có 8 ha đang chuẩn bị cho thu hoạch. Dự kiến khi các loại cây trồng bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định thì tổng thu nhập của gia đình ông không chỉ dừng lại ở con số 800 triệu đồng.
Theo ông Đoàn Xuân Quang, Chủ tịch Hội CCB huyện Khánh Sơn, không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, CCB Lê Đăng Thung luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng chí, đồng đội và những hộ dân trong thôn về nguồn vốn, cây giống để cùng phát triển sản xuất. Ông còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 3,6 triệu đồng/ 1 người/ 1 tháng. “Từ hai bàn tay trắng, nhưng với ý chí quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, sau hơn 20 năm bám ruộng, bám rẫy, CCB Lê Đăng Thung đã xây dựng được cuộc sống ấm no, có điều kiện nuôi dạy con cái trưởng thành. Với những thành quả đạt được trong lao động sản xuất, thời gian qua, ông đã đạt danh hiệu CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương”, ông Quang cho biết.
Ảnh: CCB Lê Đăng Thung chăm sóc cà phê
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn