Cùng với sầu riêng, măng cụt cũng là một trong những trái cây ngon nổi tiếng của Huyện Khánh Sơn. Với diện tích 28,1ha trên toàn Huyện, măng cụt đang đem lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân. Cây măng cụt là loại cây ăn quả lâu năm, cây cho quả sau khoảng 7 – 10 năm trồng tùy thuộc vào cách chăm sóc của nhà vườn. Hiện nay, măng cụt đang trong giai đoạn Chuẩn bị thu hoạch – Thu hoạch, hiện tượng xì mủ, sượng trái chiếm khoảng 2 – 4% gây ảnh hưởng đến chất lượng măng cụt. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì nguyên nhân của hiện tượng chảy mủ vàng ở trái măng cụt có thể do côn trùng cắn phá hay chích hút gây ra hoặc do nguyên nhân sinh lý như gió mạnh làm thân, cành, rễ bị tổn thương. Đặc biệt thời gian khoảng 2 – 3 tuần trước khi thu hoạch, vườn măng cụt gặp mưa to liên tục làm cây hút nhiều nước một cách đột ngột làm mạch nhựa bị vỡ và rỉ nhựa ra ngoài. Nếu nhựa rỉ vào cơm trái có thể làm sượng múi, thịt trái bị hư hại không ăn được. Một số trường hợp khi mủ chảy phía trong thì trên cuống trái có vết thâm và trên đó mọc ra nấm Phytopthora sp. gây nên xì mủ. Một số biện pháp hạn chế hiện tượng xì mủ, sượng trái đối với măng cụt như sau:
- Duy trì việc bón vôi hàng năm cho cây.
- Giữ độ ẩm đất ổn định dưới 50% trong giai đoạn trái măng cụt 1 tháng trước thu hoạch.
- Phun trực tiếp lên trái dung dịch CaCl2, nồng độ 2%, liều lượng 4 - 6 lít/cây, phun 4 lần mỗi lần cách nhau 10 ngày, bắt đầu từ tháng thứ 3 saukhi đậu trái.
- Tránh làm trái bị va chạm mạnh khi thu hoạch và vận chuyển.
Bên cạnh hiện tượng xì mủ, sượng trái thì bệnh xì mủ gây hại trên thân cũng ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây măng cụt. Đây là bệnh hai rất nguy hiểm trên cây măng cụt, tác nhân gây bệnh là nấm Phytopthora sp. gây ra, nấm tồn lưu chủ yếu trong đất, trong nước và trong các bộ phận bị bệnh của cây. Nấm tấn công phần vỏ thân gần mặt đất và lan dần làm vỏ cây bị biến màu nâu, sau đó vỏ cây bị chảy nhựa. Biện pháp phòng trừ:
- Thường xuyên tỉa cành, tạo tán, tạo độ thông thoáng cho vườn măng cụt. Cần tiến hành cắt tỉa các cành có bệnh và tiêu hủy ngay.
- Dùng vôi hòa với thuốc gốc đồng quét lên thân cây cách mặt đất khoảng 1m vào đầu mùa mưa để ngăn ngừa nấm tấn công vào thân.
- Bệnh xuất hiện trên thân phải cạo sạch vết bệnh rồi quét các loại thuốc có hoạt chất fosetyl – aluminium, mancozeb, metalaxyl, … để trị bệnh. Đồng thời phun xịt các loại thuốc có hoạt chất trên toàn bộ thân lá để phòng trừ bệnh.
Nguyễn Thị Nhung - Trạm TT &BVTV