Hiện nay trên địa bàn Huyện Khánh Sơn có 384,3ha diện tích trồng cây có múi trong đó diện tích cho sản phẩm là hơn 200ha. Thời tiết những tháng đầu năm 2021 tương đối thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây bưởi, cam, quýt, chanh. Bên cạnh việc bón phân cân đối hợp lý, cắt tỉa cành, vệ sinh vườn thông thoáng thì việc quản lý sinh vật gây hại cũng vô cùng quan trọng. Những sinh vật gây hại chủ yếu trên cây có múi trong thời điểm này là:
1. Bọ cánh cứng (câu cấu xanh):
Câu cấu xanh là loài côn trùng đa thực gây hại cho lá (giai đoạn câu cấu trưởng thành) và gây hại cho rễ (giai đoạn ấu trùng) của các loại cây có múi. Câu cấu xanh khi trưởng thành là bọ cánh cứng có cơ thể hình bầu dục, dài khoảng 12 – 14mm , rộng khoảng 6 – 7mm. Toàn thân phủ một lớp bột vàng óng ánh (khi mới vũ hóa) sau chuyển dần thành màu xanh nhạt hoặc màu xám trắng. Mắt lồi, miệng dạng vòi, răng khỏe, cánh màng phát triển. Lúc trời nắng nóng thường ẩn nấp phía dưới tán lá và thường giao phối với nhau vào ban ngày. Trứng câu cấu nhỏ, dài, màu trắng, được đẻ ở lớp cỏ dưới mặt đất. Ấu trùng (sâu non) sống trong đất, màu trắng ngày. Đầu phát triển màu vàng, răng màu nâu chắc khỏe. Chân giả phát triển, đẫy sức, dài khoảng 18 – 20mm, phần bụng nhỏ về cuối.
Câu cấu xanh là đối tượng rất nguy hiểm bởi với số lượng lớn với tính phàm ăn chúng có thể ăn trụi hết lá trên cây kể cả lá non và lá già làm cho cây không quang hợp được dẫn đến cây còi cọc, nặng sẽ làm chết cây. Ngoài cắn phá lá của con trưởng thành trong vòng 20 – 30 ngày thì ấu trùng của bọ cánh cứng tồn tại trong đất trong 8 – 10 tháng sẽ cắn phá rễ non của rất nhiều loại cây trồng như bưởi, cam, quýt, bắp, mía,… thậm chí cả rễ cây keo. Chúng hút dịch dinh dưỡng làm thức ăn làm cây còi cọc và tuyến trùng, virus, vi khuẩn, nấm bệnh,… dễ dàng xâm nhập vào cây thông qua vết thương hở do chúng gây ra.
Biện pháp phòng trừ:
- Thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện dùng tay hoặc dùng vợt để bắt khi phát hiện. Nên bắt vào buổi sáng khi nó chưa di chuyển.
- Trải vải nilon xuống dưới tán lá rồi rung cây, câu cấu trưởng thành giả chết rơi xuống, thu gom và tiêu diệt.
- Dùng bẫy đèn bắt con trưởng thành vào buổi tối: Treo bóng đèn có ánh sáng mạnh trước tấm tôn sáng bóng từ 6 giờ tối, ở dưới đặt thau chứa nước, bỏ vào một ít thuốc trừ sâu và một ít dầu lửa. Bọ cánh cứng ưa sáng sẽ bay đến chạm vào tấm tôn sẽ rơi xuống thau nước, trong nước có dầu lửa sẽ bịt lỗ thở kèm theo tác dụng của thuốc trừ sâu sẽ làm bọ cánh cứng chết.
- Dùng nấm xanh, nấm trắng kết hợp với amino acid phun khi cây ra đọt non để tiêu diệt câu cấu trưởng thành và tưới gốc để tiêu diệt ấu trùng câu cấu.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho thiên địch câu cấu sinh trưởng và phát triển như kiến vàng.
- Sử dụng biện pháp hóa học khi mật độ câu cấu trưởng thành là 6 con/cành (3 cặp/cành) dùng các loại thuốc có hoạt chất vị độc, tiếp xúc như cypermethrin để phòng trừ.
- Tiêu diệt ấu trùng bọ cánh cứng là việc cần thiết để giảm mật độ gây hại bằng cách xử lý đất bằng các thuốc trừ sâu dạng hạt như Vibasu 10Gr, Regent 0.3Gr,… rải quanh gốc với đúng liều lượng ghi trên bao bì sản phẩm.
2. Nhện đỏ:
Nhện đỏ hại cây ăn quả có múi hay còn gọi là nhện đỏ cam chanh là một trong các loài gây hại phổ biến với kích thước cơ thể nhỏ bé, chu kỳ vòng đời ngắn, sức đẻ trứng cao, khả năng thích nghi nhanh với điều kiện ngoại cành, loài nhện đỏ này rất dễ bùng phát thành dịch. Nhện đỏ có tính kháng thuốc, lờn thuốc cao nên phải sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp mới đem lại hiệu quả cao.
Biện pháp phòng trừ:
Biện pháp canh tác: Bón phân cân đối hợp lý, tưới nước đầy đủ phải đảm bảo đủ nước trong mùa khô (tưới 7 – 10 ngày/lần). Tưới phun lên tán lá với áp lực cao có thể hạn chế được mật độ nhện đỏ. Tỉa cành, tạo tán tạo độ thông thoáng cho vườn.
Biện pháp sinh học: Bảo vệ thiên địch là các loài: bọ rùa đen nhỏ, bọ rùa đen 2 chấm, nhện bắt mồi, chuồn chuồn cỏ, bọ cánh cứng ngắn Oligota sp., bọ trĩ bắt mồi 6 chấm Scolothrips sp.,…
Biện pháp hóa học: Khi mật độ nhện đỏ khoảng 4 -5 con/lá hoặc 10% số lá, quả bị hại thì bà con nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nên ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thảo mộc được phép sử dụng trên cây ăn quả có múi như: thuốc có hoạt chất Abamectin, Azadirachtin, dầu khoáng Petroleum spray oil,…Khi sử dụng thuốc hóa học thì bà con cần phải luân phiên các thuốc BVTV để phòng trừ nhện đỏ hiệu quả ví dụ như: lần 1: phun Dầu khoáng DS 98.8EC thì lần 2: phun Alfamite 15EC, lần 3: phun Abagro 1.8EC, lần 4: phun Japer 0.3EC.
3. Rầy mềm:
Rầy mềm gây hại trên cây có múi (Toxoptera aurantii). Rầy gây hại bằng cách chích hút chồi non, tập trung chủ yếu ở mặt dưới lá, làm chồi biến dạng, lá cong queo còi cọc, ngoài ra chúng còn tiết mật ngọt làm nấm bồ hóng phát triển ảnh hưởng đến sự quang hợp của cây. Ngoài ra chúng còn là tác nhân truyền bệnh “Tristeza”.
Biện pháp phòng trừ:
- Chăm sóc cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho lộc non ra tập trung.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho thiên địch sinh sống: bọ rùa, ong ký sinh, ruồi ăn rệp,…
- Khi mật độ rệp cao nên sử dụng các loại thuốc có hoạt chất phòng trừ rầy được phép sử dụng trên cây ăn quả có múi như Thiamethoxam, Imidaclorid,…
4. Bọ xít:
Bọ xít thành trùng có màu xanh lá cây bóng, với chiều dài cơ thể 20 – 22mm, chiều rộng 15 – 16mm. Kim chích hút dài đến cuối bụng. Rìa ngực có 2 gai nhọn, hai bên mép bụng có rìa răng cưa. Chính giữa mặt bụng có một đường nổi rõ rệt. Ấu trùng có 5 tuổi, có mùa vàng tươi, trên ngực, cánh và bụng có nhiều đốm đen sẫm. Bọ xít tấn công vào trái khi trái còn rất nhỏ. Cả thành trùng và ấu trùng đều dùng vòi để chích hút trái. Khi trái nhỏ bị gây hại, trái sẽ vàng, chai và rụng sau đó. Nếu trái lớn bị tấn công, trái có thể bị thối do bị bội nhiễm nấm hoặc một số vi sinh vật khác.
Biện pháp phòng trừ:
- Thu thập và nhử nuôi kiến vàng Oecophylla smaragdina trong vườn cam quýt để tiêu diệt bọ xít, nhất là ấu trùng.
- Không nên trồng cam quýt mật độ cao, thường xuyên cắt tỉa bỏ các cành già, cành bị sâu bệnh, cành tược,… để vườn cây luôn thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của chúng.
- Dùng vợt hoặc tay để bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.
- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi mật độ bọ xít cao đặc biệt giai đoạn tượng trái sử dụng các thuốc có hoạt chất Cypermethrin, Acephate,… để phòng trị.