MỘT SỐ SINH VẬT GÂY HẠI CÂY CHÔM CHÔM GIAI ĐOẠN NUÔI TRÁI

Đọc tin

Chôm chôm cũng là một trong những trái cây ngon của Huyện Khánh Sơn. Với diện tích trồng chôm chôm trên toàn Huyện là 69ha trong đó diện tích chôm chôm giai đoạn kinh doanh là 39ha. Hiện nay, chôm chôm đang trong giai đoạn Nuôi trái, việc quản lý sinh vật gây hại trên cây chôm chôm trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng quyết định đến năng suất cũng như chất lượng trái.

Các sinh vật gây hại chủ yếu là:

1. Rệp sáp: Planococcus lilacinus

Rệp sáp là là đối tượng gây hại khó trị vì cấu tạo cơ thể phủ đầy chất sáp trắng như bông. Rệp sáp gây hại từ khi trái còn non, chích hút trên cuống trái và trái. Chúng thường tập trung rất nhiều ở những chùm trái dầy và trong suốt giai đoạn phát triển của trái từ khi trái nhỏ đến khi trái chín. Trên trái non nếu mật số của rệp cao sẽ làm cho trái không phát triển được và có thể bị rụng sớm. Nếu mật độ rệp thấp hoặc tấn công khi trái đã lớn thì trái vẫn tiếp tục phát triển nhưng sẽ làm bề ngoài của quả không đẹp, giảm phẩm chất và giảm giá trị thương phẩm vì trong quá trình sống rệp tiết ra mật ngọt tạo môi trường thích hợp cho nấm bồ hóng phát triển làm trái bị phủ một lớp bồ hóng màu đen. Loài rệp sáp này ít di chuyển, chúng sống cộng sinh với kiến đen bằng cách kiến đen tha rệp từ nơi này sang nơi khác, từ cây này sang cây khác mỗi khi rệp đang chích hút đã cạn kiệt nhựa. Ngược lại trong chất bài tiết của rệp có chứa nhiều chất đường mật làm thức ăn cho kiến đen.

Để phòng trừ rệp cần áp dụng kết hợp nhiều biện pháp sau đây:

- Không trồng cây chôm chôm với mật độ quá dầy, thường xuyên vệ sinh vườn tược, cắt tỉa những cành bị sâu bệnh, cành nằm khuất trong tán, cành khô,… để vườn được thông thoáng

- Bón phân cân đối, hợp lý để cây sinh trưởng và phát triển tốt

- Dọn sạch cỏ dại, rác, lá cây mục ở xung quang gốc để phá vỡ nơi trú ngụ của các loài kiến, nếu thấy xuất hiện kiến đen nên sử dụng thuốc diệt trừ kiến để tiêu diệt.

- Thường xuyên thăm vườn phát hiện kịp thời và phun thuốc diệt trừ rệp khi mật độ rệp sống còn tương đối ít và tuổi rệp còn nhỏ. Nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị rệp ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc và khi sử dụng thuốc ở giai đoạn trái già phải chú ý an toàn đảm bảo thời gian cách ly của thuốc để giữ an toàn cho người tiêu dùng. Nếu trong vườn trồng xen canh chôm chôm với các cây trồng khác thì cần phải phun thuốc rệp sáp cho chôm chôm cũng cần phải phun cho các cây trồng này.

2. Bệnh phấn trắng:

Nấm chủ yếu gây hại trên hoa, trái non và lá non trên vườn chôm chôm. Trên bề mặt lá non bị bao phủ một lớp màu trắng xám, nấm phát triển trên cả hai bề mặt lá, làm lá bị xoắn, còi cọc và cuối cùng là bị khô, rụng. Trên hoa: biểu hiện tương tự như trên lá, cả hoa bị bao phủ bởi lớp nấm màu trắng xám do đó hoa bị khô, đen và rụng. Trên quả: quả bị nấm phủ trắng sau đó bị khô đen và rụng hoặc nếu không rụng thì chúng cũng kém phát triển và cho lớp thịt mỏng, vị không ngọt.

Biện pháp phòng trừ:

- Biện pháp cơ học: Sau khi thu hoạch vụ trái thì phải tiến hành cắt tỉa những cành già cỗi, cành bị sâu bệnh, cắt bỏ những trái còn sót lại trên cây, tỉa cành, tạo tán giúp vườn cây thông thoáng.

- Biện pháp hóa học: Bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi tỷ lệ bệnh cao và sử dụng các loại thuốc chuyên dùng cho phòng trừ phấn trắng được phép sử dụng trên thị trường như các thuốc có hoạt chất Hexaconazole, Propiconazole, Sulfur,… và phải theo nguyên tắc bốn đúng.

3. Bệnh thối nhũn trái chôm chôm (do nấm Phytopthora sp. gây ra)

Vết bệnh đầu tiên là những vùng nâu nhỏ trên trái, khi bị nặng, vết bệnh sẽ lan dần từ vùng cuống trái xuống bên dưới hoặc từ đít trái vào bên trong làm thịt trái nhũn, chảy nước, có mùi hôi chua và rụng sớm. Vào buổi sáng có thể thấy những tơ nấm trắng phát triển trên vết bệnh ở vỏ trái. Bệnh thường gây hại nặng cho những chùm trái bên dưới và bên trong tán cây gần mặt đất. Bệnh thường phát triển ở những vườn cây rậm rạp, trồng dày và phát sinh mạnh trong mùa mưa, ẩm độ cao, có sự lây lan nhanh từ quả này sang quả khác.

Biện pháp phòng trừ:

- Nên tạo điều kiện cho cây phát triển, sinh trưởng khỏe mạnh bằng các biện pháp canh tác như bón phân cân đối, hợp lý, tránh bón thừa đạm, tỉa cành, tạo tán tạo độ thông thoáng cho vườn, có hệ thống thoát nước, tưới nước tốt.

- Dùng cây chống đỡ những chùm trái bên dưới tán, hạn chế chúng tiếp xúc gần mặt đất, tỉa bỏ các cành khuất trong tán.

- Trồng với mật độ hợp lý, không trồng xen quá nhiều cây bóng râm sẽ tạo độ ẩm cao trong vườn làm bệnh phát triển mạnh

- Thu gom và tiêu hủy những trái bệnh tránh sự lây lan

- Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật sự cần thiết và phải có thời gian cách ly đảm bảo không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng và sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Fosetyl aluminium, Metalaxyl,…

4. Sâu đục quả:

Sâu có khả năng tấn công và gây hại từ lúc quả chôm chôm còn nhỏ đến quả chín thu hoạch. Sâu gây thiệt hại nặng cho năng suất và chất lượng chôm chôm thu hoạch.

Bướm (thành trùng) từ loài sâu này có màu vàng với nhiều chấm màu đen trên cánh. Bướm đẻ trứng hình bầy dục. Sâu non có màu hồng hoặc hồng tím, đâu nhỏ, có màu nâu đen. Nhộng có màu nhạt sau đó chuyển dần sang màu nâu đậm. Sâu non thường gây hại bằng cách đục vỏ của quả chôm chôm để vào bên trong ăn thịt quả. Khi bị sâu hại quả thường bị thối nhanh chóng. Chất thải của sâu được thải ra ngoài qua lỗ đục chính là tác nhân gây nên nhiều bệnh khác cho cây chôm chôm.

Biện pháp phòng trừ:

- Dùng bẫy đèn bắt và tiêu diệt thành trùng;

- Bắt bằng tay khi phát hiện sâu

- Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi mật độ sâu cao và áp dụng các biện pháp thủ công không còn hiệu quả, và khi sử dụng thuốc cần lưu ý thời gian cách ly tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nguyễn Thị Nhung - Trạm Trồng trọt và BVTV Khánh Sơn

 
Đầu trang
 
Trở về
 
In bài viết
Danh mục
Chỉ đạo, điều hành
Thông tin tuyên truyền
Dự án, hạng mục đầu tư
THỐNG KÊ, BÁO CÁO
Dịch vụ công trực tuyến
Tin tức - Sự kiện
Thông tin hoạt động
Văn bản mới Chuyển đổi số
KỲ HỌP HĐND HUYỆN KHÁNH SƠN
VĂN BẢN QPPL Thông tin trợ giúp DN NVV
Tiếp cận thông tin
Tuyển dụng
THÔNG TIN CÔNG KHAI
Cải cách hành chính
Chương trình, đề tài NCKH
Công khai ngân sách
Góp ý dự thảo
MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG
Lịch tiếp công dân PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUY HOẠCH Tài liệu Tiếp xúc cử tri Thông báo
Video
Album
Bản đồ
Bản đồ hành chính
Học tập tư tưởng đạo đức HCM
Cải cách hành chính
SK-CCHC
Xuc tien dau tư
CCHC