Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có khả năng có mưa dông kéo dài trên diện rộng, mưa lớn kèm theo gió bão sẽ có thể gây ra hiện tượng ngập úng, đổ ngã làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng.
Để chủ động ứng phó với điều kiện thời tiết bất lợi có thể xảy ra, bà con nên lưu ý một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng trong mùa như bão như sau:
Với địa hình vùng núi như Huyện Khánh Sơn, phát triển cây ăn quả chủ yếu trên đất đồi, đất dốc, ven chân núi,… Với đặc thù khí hậu vào mùa này thường có mưa lớn và kéo dài nhiều ngày thỉnh thoảng còn kèm theo gió bão có thể gây nên hiện tượng ngập úng cục bộ đối với một số nơi đất thế trũng cũng như hiện tượng cây bị đổ ngã, bật gốc làm cây bị nghẹt rễ, thối rễ hoặc tổn thương vùng rễ tạo môi trường thuận lợi cho nấm bệnh tấn công vào cây.
Trước mưa bão bà con cần phải cắt tỉa để cây thông thoáng cắt những cành vô hiệu như cành vượt, cành mọc trong tán, cành gần mặt đất, cành bị sâu bệnh,…; cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy đổ; chằng néo thân cây, các cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đổ ngã; đối với cây đang mang quả (như bưởi, quýt,…) nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm, nếu chưa đến thời kỳ thu hoạch thì tỉa bỏ bớt trái trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái. Đồng thời, bà con phải khơi thông lại mương, rãnh tạo hệ thống tiêu nước tốt trong vườn tránh việc ngập úng cục bộ.
Cây sầu riêng bị nấm bệnh sau nhiều ngày mưa liên tục
Biện pháp khắc phục sau mưa bão: Đối với những vị trí cây trồng bị ngập úng cục bộ thì cần phải khơi thông cống rãnh để nước thoát nhanh hoặc sử dụng máy bơm chuyên dụng để bơm nước ra khỏi vườn tránh hiện tượng nước ứ đọng làm nghẹt rễ cây rất dễ phát sinh các loại nấm bệnh gây hại rễ làm cây bị thối rễ, vàng lá, rụng lá nếu nặng sẽ gây ra chết cây. Nếu mưa kéo dài nhiều ngày liên tục, ẩm độ cao mật số sâu hại như các loại rầy, rệp, sâu ăn lá, … sẽ giảm đáng kể nhưng một số bệnh gây hại cây trồng sẽ tăng lên nhất là các bệnh do nấm gây ra như bệnh thán thư, nấm hồng, thối rễ, thối quả,…Do đó, sau đợt mưa kéo dài ngày thì bà con cần phun các loại thuốc gốc đồng, thuốc có hoạt chất mancozeb hay metalaxyl,… để phòng trừ nấm bệnh tấn công cây trong vườn nên phun ướt toàn bộ lá. Chăm sóc bộ rễ cây trồng sau mưa bão là rất cần thiết, trước hết cần phải xới nhẹ, phá váng ở lớp đất mặt vùng tán cây nhằm giúp đất thông thoáng, tạo sự trao đổi khí vùng bên trên và xung quanh rễ. Đặc biệt những cây bị tổn thương ở gốc cần dậm chặt đất, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm có hoạt chất mancozeb, metalaxyl, fosetyl aluminium,… hoặc các chế phẩm Trichoderma tưới gốc 2-3 lần mỗi lần cách nhau 7 ngày. Sau khi bộ rễ cây ổn định trở lại mới tiến hành bón phân hữu cơ, phân bón lá, phân hóa học.
Bà con không nên xử lý ra hoa đối với những cây bị ảnh hưởng do mưa bão như đổ ngã, gãy cành, gãy nhánh và đối với những cây bị thiệt hại nặng như bật gốc (đặt biệt là cây sầu riêng) khó phục hồi thì cần có kế hoạch trồng cây mới thay thế. Đối với những vườn cây đang đậu quả non, mới ra hoa hoặc hoa trái vụ bị ảnh hưởng từ nhẹ đến trung bình thì nên tăng cường chăm sóc, bón phân đủ các chất Ca, Cu, B, Zn có thể bổ sung thêm các chất điều hòa sinh trường như NAA, GA3,… giúp giảm rụng trái, nứt trái./.
Nhung Nguyễn (TT&BVTV)