Ngày 14/12/2022, tại kỳ họp thứ 6, HĐND huyện Khánh Sơn khóa IX đã thông qua Nghị quyết về Đề án chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 huyện Khánh Sơn.
Theo đó, Quan điểm về chuyển đổi là Chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của huyện đến năm 2025, định hướng phát triển đến năm 2030; gắn phát triển nông nghiệp với thực hiện đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai trên địa bàn huyện: “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”.Chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản phẩm nông nghiệp. Chuyển từ chuỗi liên kết cung ứng nông sản sang chuỗi liên kết giá trị ngành hàng. Chuyển từ nông nghiệp chú trọng tăng sản lượng sang nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị. Chuyển từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra.Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp tốt (GAP), đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh xác định được quan điểm của Đề án thì huyện Khánh Sơn cũng xác định được mục tiêu chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp là thúc đẩy tăng trưởng, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp hàng hoá có giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của địa phương, theo hướng có trách nhiệm, hiện đại, bền vững, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong tỉnh, trong nước và hướng đến xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thu hút và khai thác có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Để đảm được các mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp của huyện đề ra đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như đã nêu ở trên; ngành nông nghiệp của huyện cần thực hiện 08 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Nhiệm vụ thứ nhất là Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương tăng hiệu quả kinh tế/ha; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao theo quy định hiện hành; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao trong thâm canh cây trồng chủ lực. Xây dựng các vùng trồng cây ăn quả ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tiến tới cấp mã số vùng trồng; xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc cho các cây trồng chủ lực. Tăng cường công tác quản lý, giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý, giám sát cơ sở cung cấp giống cây trồng vật nuôi, cung cấp vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện. Nhiệm vụ thứ hai là: Đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển lâm nghiệp; khuyến khích và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng; chuyển đổi từng bước rừng trồng nguyên liệu sang trồng cây gỗ lớn bản địa có giá trị kinh tế, đảm bảo phát triển kinh tế rừng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ thứ ba là: Xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của địa phương; củng cố, phát triển hợp tác xã, tổ liên kết; thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông lâm sản trên địa bàn huyện. Nhiệm vụ thứ bốn là: Xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc thương hiệu sản phẩm. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhiệm vụ thứ năm là: Tập trung đào tạo, tập huấn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương, nhất là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của người dân trong phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhiệm vụ thứ sáu là: Từng bước thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Nhiệm vụ thứ bảy là Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Nhiệm vụ cuối cùng là Đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện đề án: 90.615 triệu đồng; trong đó Hỗ trợ trực tiếp phát triển sản xuất 80.199 triệu đồng, chiếm 88,5% tổng vốn đầu tư (hỗ trợ chuyển đổi cây trồng 65.526 triệu đồng; hỗ trợ vật tư, phân bón năm thứ 3, năm thứ 4 cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào thực hiện chuyển đổi cây trồng (giai đoạn 2022-2025): 3.366 triệu đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả: 3.949 triệu đồng; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả 5.400 triệu đồng; Hỗ trợ phát triển lâm nghiệp 5.324 triệu đồng). Hỗ trợ hợp tác, liên kết, tiêu thụ sản phẩm: 9.916 triệu đồng, chiếm 10,9% vốn đầu tư. Kinh phí lập đề án: 500 triệu đồng, chiếm 0,6% tổng vốn đầu tư./.