1. Tên văn bản quy phạm pháp luật Thông tư số 06/2023/TT-BNV ngày 04/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy chế cập nhật, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước
2. Hiệu lực thi hành Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 5 năm 2023
3. Sự cần thiết, mục đích và tác động kinh tế - xã hội Tại điểm b, khoản 5 Điều 53 Nghị định số 47/2020/NĐ-CP, Chính phủ giao: Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng các quy chuẩn hoặc quy định kỹ thuật về cấu trúc dữ liệu trao đổi, các quy chế, quy trình chia sẻ dữ liệu trong phạm vi dữ liệu chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý; ban hành quy chế khai thác, sử dụng dữ liệu của cơ sở dữ liệu quốc gia được giao làm chủ quản, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành thuộc phạm vi quản lý của mình. Khoản 5 Mục III Đề án 06/CP, giao Bộ Nội vụ phối hợp Bộ Công an thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (CSDLQG về CBCCVC); thời gian hoàn thành trong tháng 12/2023. Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 05/CTTTg, trong đó giao Bộ Nội vụ “hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thời gian hoàn thành trong tháng 06 năm 2023”. Hiện nay, việc tổ chức thực hiện cập nhật, sử dụng, khai thác dữ liệu, thông tin về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước chưa có quy định cụ thể; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là CSDL của bộ, ngành, địa phương) để quản lý mà chưa có sự thống nhất, đồng bộ. 24 Để triển khai quản lý, vận hành, khai thác CSDLQG về CBCCVC nói chung và CSDL của bộ, ngành, địa phương nói riêng; thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ được Chính phủ giao, tạo cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương kịp thời cập nhật, đồng bộ, thống nhất giữa CSDL của bộ, ngành, địa phương với CSDLQG về CBCCVC, bảo đảm “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”, việc xây dựng và ban hành Thông tư là cần thiết.
4. Nội dung chủ yếu của Thông tư
- Chương I quy định chung: có 5 Điều (từ Điều 1 đến Điều 5) quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc thực hiện; các hành vi không được làm.
- Chương II quy định về quản lý cơ sở dữ liệu, cập nhật, khai thác dữ liệu, thông tin trong hệ thống Cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước: có 8 Điều (từ Điều 6 đến Điều 13) quy định về: Tạo lập, cập nhật dữ liệu; phê duyệt dữ liệu; khai thác cơ sở dữ liệu; cách thức khai thác, sử dụng dữ liệu; lưu trữ cơ sở dữ liệu; chuyển giao, tiếp nhận dữ liệu; kết nối, chia sẻ dữ liệu; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu.
- Chương III quy định về tổ chức thực hiện: có 4 Điều (từ Điều 14 đến Điều 17) quy định về trách nhiệm của: cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức, viên chức được giao thực hiện công tác quản lý Cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, địa phương; cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; bộ, ngành, địa phương./