1. Tên văn bản quy phạm pháp luật Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
2. Hiệu lực thi hành Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 20/9/2023
3. Sự cần thiết, mục đích và tác động kinh tế - xã hội Nghị định được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, quy định tại các văn kiện đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua; chủ trương, đường lối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại các văn bản mới ban hành, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác cán bộ. Đồng thời, Nghị định được ban hành nhằm giải quyết một số vướng mắc phát sinh trong công tác cán bộ; một số quy định cần sửa đổi để bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật như thẩm quyền xử lý kỷ luật, nguyên tắc áp dụng trong trường hợp có 02 hành vi vi phạm bị xử lý tại một thời điểm,…
4. Nội dung chủ yếu và những điểm mới của Nghị định
a) Các nội dung rà soát, chỉnh lý bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định của Đảng
- Sửa đổi quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật bảo đảm đồng bộ với Quy định số 69-QĐ/TW và Nghị quyết số 76/2022/QH15.
- Sửa đổi các quy định về nguyên tắc áp dụng trong trường hợp có 02 hành vi vi phạm bị xử lý tại một thời điểm; thời hạn xử lý kỷ luật hành chính sau khi có quyết định xử lý kỷ luật Đảng; thống nhất về thời điểm có hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật đảng với quyết định xử lý kỷ luật hành chính; trường hợp có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.
b) Các nội dung sửa đổi, bổ sung khác
- Sửa đổi, bổ sung đối tượng áp dụng để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019.
- Sửa đổi quy định về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức khi đã chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm tại nơi công tác cũ để giải quyết khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn thực hiện.
- Sửa đổi quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm xử lý nghiêm minh, khách quan, chính xác, theo đó, quy định cụ thể trường hợp đã có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền thì không phải thực hiện trình tự họp kiểm điểm, thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật; trường hợp hết thời hiệu thì không phải tổ chức họp mà báo cáo cấp có thẩm quyền về việc không xem xét xử lý kỷ luật.
- Bổ sung quy định về đương nhiên tạm đình chỉ chức vụ, tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị tạm giữ, tạm giam để giải quyết khó khăn từ thực tiễn, đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính./.