Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, từ tháng 9 - 11/2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 60 - 75%; tỉnh Khánh Hòa có thể bị ảnh hưởng gián tiếp hoặc trực tiếp từ 01 - 02 cơn bão/áp thấp nhiệt đới. Mùa mưa tại khu vực tỉnh Khánh Hòa có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm. Mưa lớn tập trung chính vào tháng 10 - 11/2024. Mực nước trên các sông tỉnh Khánh Hòa có khả năng xuất hiện từ 2 - 3 trận lũ, đỉnh lũ lớn nhất ở mức báo động 2 - 3, có sông trên mức báo động 3. Từ tháng 12/2024 - 02/2025 hiện tượng ENSO duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 65 - 75%, có khả năng xuất hiện 1 - 2 trận lũ, đỉnh lũ lớn nhất ở mức báo động 2 - 3. Hiện nay, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết cơn bão Trà Mi đã di chuyển vào biển Đông và trở thành bão số 6 hoạt động trên biển Đông năm 2024. Sau khi vào biển Đông, khả năng bão đổi hướng di chuyển theo hướng Tây với cường độ mạnh thêm. Khi bão vượt qua khu vực Trường Sa, khả năng bão đạt cấp đạt cấp 12, giật cấp 15 và hướng về bờ biển khu vực Trung bộ. Từ ngày 26-28/10 trên khu vực Trung bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của cơn bão này; vào hồi 4h ngày 25/10, vị trí tâm bão Trà Mi (bão số 6) ở vào khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.
Để ứng phó với tình hình mưa bão, hạn chế tối đa những thiệt hại do mưa bão gây ra, ngày 28/10/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản số 5986 /SNN-TTBVTV về việc ứng phó với tình hình mưa bão trong sản xuất nông nghiệp từ nay đến hết vụ đông xuân 2024-2025. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương triển khai một số nội dung như sau: Hướng dẫn nông dân thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dự báo thời tiết, chỉ tiến hành xuống giống các loại cây trồng khi thời tiết tốt.
1. Đối với cây lúa
Hiện nay vụ Mùa toàn tỉnh đã gieo sạ ước khoảng 6.853 ha, giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng và bắt đầu thu hoạch vào tháng 12 tập trung chủ yếu ở Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Lâm, Cam Ranh. Sau mưa bão những diện tích lúa giai đoạn đẻ nhanh đến làm đòng (chưa trổ) bị ngập úng khuyến cáo bà con tiến hành tháo nước trong ruộng để đảm bảo cây lúa không bị đổ rạp; trường hợp lá lúa bị bám bùn đất cần té nước rửa sạch để tạo điều kiện cho cây lúa quang hợp; tăng cường bón phân, chăm sóc, có thể sử dụng các loại phân bón kích thích ra rễ, phân bón lá thích hợp chứa các chất dinh dưỡng trung và vi lượng. Sau khi cây lúa đã hồi phục, tăng cường tỉa dặm để đảm bảo mật độ, bón phân NPK chuyên dùng có hàm lượng đạm và kali cân đối, tránh sử dụng đạm đơn và không bón phân lai rai nhằm hạn chế sâu hại và đổ ngã, sử dụng liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Đối với diện tích lúa đang ở giai đoạn chuẩn bị trổ: Cần tiêu nước, tiến hành dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo phun bổ sung phân bón lá có nhiều kali theo khuyến cáo của nhà sản xuất để tăng khả năng chống đổ, giúp cây lúa nhanh chóng phục hồi và thúc đẩy lúa trổ thoát. Cần ngừng bón phân đạm.
- Với diện tích lúa đang ở giai đoạn trổ - chín: Sau khi tháo cạn nước trong ruộng nông dân tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3 - 4 gốc lúa lại với nhau bằng dây mềm thành hình chân kiềng để tạo thế đứng vững cho cây lúa vào chắc và chín.
- Đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch (chín trên 85%): Cần tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Đối với những diện tích lúa bị ngập úng nặng, không có khả năng cho thu hoạch cần tập trung nguồn lực tiêu úng, khuyến cáo chuyển đổi sang gieo trồng cây rau màu ngắn ngày, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác của các địa phương.
2. Đối với cây rau màu:
Trước mưa bão cần khẩn trương thu hoạch sản phẩm ở những ruộng gần đến thời gian thu hoạch. Đối với những ruộng đang giai đoạn chăm sóc chưa thu hoạch, sau mưa bão cần khuyến cáo nông dân khơi thông, nạo vét rãnh thoát nước trên ruộng; sau khi nước rút cần vệ sinh đồng ruộng, phun phân bón lá, các chế phẩm vi lượng… cho cây nhanh phục hồi, khi đất khô ráo cần xới vun kịp thời để tạo độ thông thoáng cho đất tránh bị nghẹt rễ và kết hợp bón bổ sung phân lân, NPK…; chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau.
3. Đối với cây ăn quả tập trung
Chủ động ứng phó trước mưa bão: Những diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch đề nghị tập trung thu hoạch sớm; đối với cây đang mang quả chưa đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động tỉa bỏ bớt trái trên chùm, tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái. Cắt tỉa bớt để cây được thông thoáng (quả, cành vượt, cành đan chéo nhau), cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính, nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy, đổ; chằng néo thân cây hoặc cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đỗ ngã. Xẻ mương, rãnh tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ vườn cây.
Một số biện pháp khắc phục sau mưa bão: Đối với vườn cây ngập úng cần khẩn trương đào rãnh, khơi thông dòng chảy, bơm hút nước ra khỏi líp, hố và vườn cây. Đối với những vườn cây đã rút nước cần tập trung xới nhẹ, phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới. Đối với những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển: Phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn, .. tránh hiện tượng nứt, rụng quả. Theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó có thể tưới thuốc trừnấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm hại bằng loại thuốc có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, nồng độ và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Khi bộ rễ cây đã phục hồi, mới tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dụng phân bón hoá học) để tăng khả năng phục hồi của cây.
Nguồn tham khảo: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa