11/07/2024 00:00
Lượt xem:
4145
Sáng ngày 10/7/2024, UBND huyện Khánh Sơn tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ Mã la tại nhà dài thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp cho 26 học viên là các em học sinh, thanh thiếu niên và nhân dân người đồng bào Raglai trên địa bàn xã Ba Cụm Bắc và xã Sơn Hiệp.
Lớp bồi dưỡng sẽ diễn ra từ ngày 10/7 đến 30/7, các học viên sẽ được truyền dạy những kỹ năng, cách sử dụng nhạc cụ và nghệ thuật trình diễn nhạc cụ Mã la nhằm khơi dậy niềm đam mê nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai, đưa nhạc cụ Mã la - loại nhạc cụ cổ của người Raglai phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào và nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Lớp học là hoạt động nằm trong Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Khánh Sơn giai đoạn 2021-2025.
Trong văn hóa của đồng bào Raglai, Mã la được xem là nhạc cụ độc đáo, là vật thiêng liêng không thể thiếu trong đời sống tinh thần và trong sinh hoạt cộng đồng, được sử dụng trong hầu hết các lễ hội, vui chơi, cho đến tang tế trong cộng đồng Raglai. Dàn Mã la được đồng bào dân tộc xem như một tài sản quý lưu truyền từ đời này sang đời khác, được đặt để, gìn giữ trang trọng tại nhà của già làng. Trong các lễ hội như lễ hội cầu mưa, lễ hội mừng lúa mới, lễ hội già làng… tiếng Mã la nổi lên từng hồi trầm hùng như tín hiệu gọi thần linh sông núi phù hộ cho buôn làng, cho bà con được an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, trước những tác động của nhịp sống hiện đại, giới trẻ dần không còn mặn mà với Mã la. Bên cạnh đó, thế hệ nghệ nhân tâm huyết, sử dụng thành thạo nhạc cụ Mã la nay đã lớn tuổi hoặc đã qua đời, tiếng Mã la đang vắng dần trong đời sống văn hóa cộng đồng người Raglai, chỉ còn trong ký ức của người già và chỉ được biểu diễn tại một số lễ hội lớn, do đó càng khiến cho loại hình nghệ thuật độc đáo này đứng trước nguy cơ mai một. Để bảo tồn loại hình di sản văn hóa truyền thống này, năm 2016, huyện Khánh Sơn mở lớp dạy Mã La cho các em học sinh tại trường Trung học cơ sở Ba Cụm Bắc; năm 2019 tiếp tục mở lớp dạy Mã La cho các em học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện. Qua các lớp này, nhiều thanh niên Raglai đã sử dụng thành thạo nhạc cụ Mã la và trở thành thành viên của đội văn nghệ. Điều này khiến các nghệ nhân lớn tuổi hết sức phấn khởi vì đã có lớp trẻ tiếp nối giá trị truyền thống tổ tiên để lại. Để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Raglai, mỗi thôn/TDP của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều được trang bị nhạc cụ Mã la.
Việc phục dựng giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglai Khánh Sơn đã mai một đã khó, việc gìn giữ và phát huy trong thời điểm hiện nay càng khó hơn. Do đó việc tổ chức lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ Mã la cho thế hệ trẻ cần được thực hiện thường xuyên. Những học viên này sẽ là lực lượng nòng cốt để sau này truyền dạy lại cho các thế hệ kế tiếp. Bảo tồn và phát huy giá trị các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai là việc làm có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa của người dân nơi đây không chỉ hôm nay mà còn gìn giữ lưu truyền cho thế hệ mai sau. Hy vọng, mỗi khi có dịp đến với đồng bào Raglai, chúng ta lại được nghe những âm thanh độc đáo của nhạc cụ Mã la trở thành một sản phẩm du lịch thu hút du khách đến với mảnh đất Khánh Sơn thân thiện và mến khách./.