CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG: HƯỚNG ĐI HIỆU QUẢ CHO NỀN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP KHÁNH SƠN

Đọc tin
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện đất đai, thổ nhưỡng địa phương là chủ trương lớn của huyện Khánh Sơn sau khi tái lập huyện và đã được thực hiện khá hiệu quả hơn 10 năm qua, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện.
Tại Khánh Sơn sản xuất nông-lâm nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Tuy nhiên, thời kỳ mới tái lập huyện (7/1985) nền sản xuất tại đây chỉ với quy mô manh mún, nhỏ lẻ. Đến trước những năm 2000, các loại cây trồng ở Khánh Sơn chủ yếu là bắp, mì, lúa rẫy và một số loại cây công nghiệp giá trị kinh tế thấp do người dân trồng tự phát. Bà con dân tộc thiểu số vẫn giữ thói quen canh tác lạc hậu “đốt, phát, chọc, tỉa”, du canh du cư. Ông Mấu Thái Cư, Bí thư Huyện ủy cho biết: “Đến giai đoạn 2001-2005, huyện đã đề ra chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bắt đầu đi tìm lời giải cho câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì để giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Trước hết là tập trung cải tạo vườn tạp, phát triển vườn nhà, vườn rừng. Đồng thời thực hiện chương trình phát triển cây lúa nước, chương trình phát triển đàn bò. Giai đoạn 2005-2010, huyện triển khai các đề án phát triển cây mít nghệ, sầu riêng. Cùng với đó, các ngành chuyên môn tăng cường hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi”.
Từ năm 2010 đến nay, cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế vườn rừng, Khánh Sơn đã xác định được các loại cây trồng chủ lực đó là sầu riêng, mía tím. Bên cạnh đó, một số loại cây trồng như cà phê, hồ tiêu, chôm chôm, măng cụt cũng đã khẳng định hiệu quả kinh tế trên mảnh đất Khánh Sơn. Sau một thời gian chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có thể thấy những cánh đồng hay ngọn đồi phủ đầy cỏ tranh, lau lách trước đây đã được thay thế bằng vườn cây công nghiệp, cây ăn quả trù phú, những đồi keo xanh mướt trải dài khắp nơi. Chuyện thu nhập cả tỷ đồng/ ha mỗi năm từ sản xuất nông nghiệp không còn hiếm ở Khánh Sơn. Những hộ đồng bào dân tộc thiểu số thu lãi hàng chục triệu đồng 1 sào đất canh tác đã trở thành phổ biến tại các xã, thị trấn nhờ sầu riêng, mía tím, cà phê, chôm chôm… Ông Mấu Văn Thiềm (thôn Hòn Dung, xã Sơn Hiệp) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chỉ rồng bắp, mì. Với diện tích 4-5 sào, nhiều lắm cũng chỉ thu được 10 triệu/ năm. Từ năm 2014, tôi chuyển đổi 2 sào sang trồng mía tím và đã thu được 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng. Năm nay, diện tích mía tím của gia đình tăng lên 3 sào. Dự kiến sang năm, gia đình tôi trồng thêm 5 sào mía nữa”.

Mía tím, một trong những loại cây trồng chủ lực tại Khánh Sơn.

Đến năm 2015 toàn huyện đã phát triển được khoảng 1.800 ha sầu riêng, mía tím, mít nghệ, cà phê; chôm chôm, hồ tiêu, măng cụt và gần 2000 ha rừng trồng. Cùng với việc chuyển đổi về diện tích, các ngành chuyên môn đã tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nâng cao chất lượng cây trồng. Nhiều nông hộ đã đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm nâng cao năng suất lao động. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ nền sản xuất tự cung tự cấp thời kỳ mới tái lập huyện, bà con nông dân đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa. “Thành tựu nổi bật trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương đó là sầu riêng Khánh Sơn là nông sản đầu tiên của Khánh Hòa đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền trên thị trường. Hiện nay, các ngành liên quan cũng đang tiến hành các bước xây dựng thương hiệu mía tím Khánh Sơn”, ông Hiếu cho biết.

Người dân thu hoạch sầu riêng

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2004, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện chỉ đạt 22 tỷ đồng thì con số này đã tăng lên 123 tỷ đồng năm 2015, trong đó chủ lực là cây cà phê, mía tím, sầu riêng, hồ tiêu…Kết quả này đã đóng góp quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân địa phương.
Theo ông Mấu Thái Cư, Bí thư Huyện ủy, để hạn chế ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghệp trên địa bàn huyện, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung thâm canh diện tích lúa nước hai vụ thuận tiện về nguồn nước, thu hẹp và chuyển đổi những khu vực thiếu nước sang trồng rau màu hoặc cây công nghiệp, cây ăn quả. Đối với những loại cây như: sầu riêng, mía tím, cà phê, chuối…huyện sẽ tiến hành cải tạo nguồn giống đã thoái hóa, tập trung chăm sóc để nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục nghiên cứu và đưa vào trồng thí điểm một số loại cây trồng mới nhằm đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để tiến tới nền sản xuất tập trung, bền vững theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện nay, ngành nông nghiệp huyện Khánh Sơn đã và sẽ triển khai thực hiện mô hình trồng chuối cấy mô, mía tím cây mô; xây dựng đề án xây dựng cánh đồng mẫu lớn mía tím tại Sơn Hiệp, dự kiến sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn
 
Đầu trang
 
Trở về
 
In bài viết
Danh mục
Chỉ đạo, điều hành
Thông tin tuyên truyền
Dự án, hạng mục đầu tư
THỐNG KÊ, BÁO CÁO
Dịch vụ công trực tuyến
Tin tức - Sự kiện
Thông tin hoạt động
Văn bản mới Chuyển đổi số
KỲ HỌP HĐND HUYỆN KHÁNH SƠN
VĂN BẢN QPPL
Tuyển dụng
Thông tin trợ giúp DN NVV
Tiếp cận thông tin
THÔNG TIN CÔNG KHAI
Cải cách hành chính
Góp ý dự thảo
MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG
Lịch tiếp công dân PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUY HOẠCH Thông báo
Chương trình, đề tài NCKH
Công khai ngân sách
Video
Album
Bản đồ
Bản đồ hành chính
Học tập tư tưởng đạo đức HCM
Cải cách hành chính
SK-CCHC
Xuc tien dau tư
CCHC