Xuất phát từ thực tế đời sống người dân địa phương còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, Khánh Sơn đã tập trung lồng ghép với các chương trình, dự án của trung ương và của tỉnh, hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.
Năm 2013, anh Mấu Hồng Đại (thôn Tha Mang, xã Ba Cụm Bắc) là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ 10 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng cà phê. Anh Đại chi biết: “gia đình đã đầu tư 8 triệu mua cây giống và 2 triệu mua phân. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tôi đầu tư thêm vốn tự có trồng xen mía tím và một số cây rau, đậu, vừa có nguồn thu trước mắt, vừa che mát cho cây cà phê, đỡ công tưới nước. Từ thu nhập của các loại cây ngắn ngày gia đình đã thoát nghèo và tiếp tục đầu tư cho cà phê. Hiện nay cà phê cũng phát triển khá tốt rồi”.
Đối với gia đình anh Bo Bo Dương (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) mặc dù đã thoát nghèo, nhưng trước đây luôn trong tình trạng thiếu vốn đầu tư phát triển sản xuất và có nguy cơ tái nghèo. Năm 2014, gia đình anh được nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng để đầu tư trồng mía tím. “Với số tiền này, tôi đầu tư mua dụng cụ tưới nước, giống, phân bón để trồng 2 sào mía tím xen bắp. Sau gần 1 năm canh tác, tôi thu được 40 triệu đồng. Nhờ đó tôi có vốn tái đầu tư sản xuất niên vụ tiếp theo, số còn lại tôi đầu tư mua vật liệu để xây ngôi nhà mới”, anh Dương chia sẻ.
Xác định nguyên nhân đói nghèo của hầu hết bà con dân tộc thiểu số là do thiếu nguồn vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, người dân vẫn giữ thói quen canh tác lạc hậu, tự cung tự cấp; một số hộ gia đình còn trồng chờ, ỷ lại cào sự hỗ trợ của nhà nước hoặc chưa biết cách chi tiêu hợp lý, tích lũy nguồn vốn. Thời gian qua, các xã đã lồng ghép các chương trình, dự án của trung ương và của tỉnh để hỗ trợ người dân sản xuất; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để bà con áp dụng vào thực tế sản xuất nhằm nâng cao săng suất lao động; tuyên truyền, vận động bà con không sang nhượng đất trái phép để đảm bảo tư liệu sản xuất; hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số tận dụng quỹ đất để mở rộng canh tác, chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả để bà con sản xuất đại trà. Đồng thời vận động đồng bào chi tiêu hợp lý trong gia đình để tích lũy nguồn vốn, tái đầu tư và mở rộng sản xuất. Theo ông Tro Ghiêng, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Bình, để thực hiện tốt công tác giảm nghèo, hằng năm Đảng ủy xã đều xây dựng nghị quyết và chỉ đạo cho các ban ngành, đoàn thể, đến chi bộ thôn cụ thể hóa nghị quyết bằng những việc làm thiết thực, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực sản xuất để nâng cao thu nhập. Đồng thời thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân về cây, con giống để bà con sản xuất kịp thời vụ; phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học công kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho bà con. Xã cũng giao cho 3 chủ trang trại, mỗi chủ trang trại phụ trách giúp đỡ 5-6 hộ nghèo về cây-con giống, kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật để cùng phát triển sản xuất. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn dưới 6% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015).
Thời gian qua, huyện cũng đã chú trọng đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động, trong đó tập trung dạy nghề nông nghiệp và một số nghề phi nông nghiệp gắn với nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, nhiều hộ gia đã thoát nghèo bền vững, vươn lên lên làm giàu. Qua 5 năm (2011-2015), thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm bình quân 4,8%/ năm.
Tuy nhiên, công tác hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững tại các xã còn không ít khó khăn và hiện tại toàn huyện chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới về tỷ lệ hộ nghèo. Nguyên nhân chủ yếu đó là: Nguồn kinh phí hỗ trợ bà con phát triển sản xuất còn hạn chế, mới chỉ mang tính ngắn hạn, một số trường hợp sau khi thực hiện mô hình sản xuất không có khả năng tiếp tục tái đầu tư hoặc mở rộng sản xuất. Chưa có chính sách khuyến khích và hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo, động viên họ chủ động vươn lên thoát nghèo… Một số xã, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm chậm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao hoặc giảm không đáng kể so với trước đây. Nhất là theo chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2016-2020), 6/7 xã của huyện có tỷ lệ hộ nghèo tăng lên trên 50%. Một số hộ thoát nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Trong số những hộ chưa thoát nghèo, không ít trường hợp chưa có ý thức tự thoát nghèo hoặc chịu ảnh hưởng của sâu bệnh, thời tiết hạn hán. Một số hộ nghèo, cận nghèo tại các xã thiếu đất sản xuất, thiếu nguồn vốn, không giám tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng hoặc nhiều hộ thuộc đối tượng yếu thế (gia đình neo đơn, già yếu, ốm đau) nên rất khó thoát nghèo…..
Thực hiện tốt công tác hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ nghèo theo chuẩn nông nông thôn mới sẽ tạo nền tảng cho nhiều tiêu chí liên quan như: mức thu nhập, nhà ở dân cư, hình thức tổ chức sản xuất…Đây đều là những tiêu chí hiện rất khó hoàn thành đối với các xã. Do vậy, tiếp tục tăng cường hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững là giải pháp mà cấp ủy, chính quyền địa phương đang hết sức quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ông Phan Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục giao đất cho những hộ nghèo thực sự thiếu đất để bà con ổn định sản xuất. Bên cạnh những mô hình cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn bà con tập trung chăm sóc diện tích chuối hiện có, đồng thời khoanh nuôi tái sinh diện tích rừng lô ô nhằm mang lại nguồn thu nhập ổn định hằng tháng cho bà con. Mặt khác, địa phương tiếp tục chú trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là đối với hộ nghèo”. Cùng với đó, huyện tiếp tục tăng cường vận động các đơn vị đỡ đầu, nhà tài trợ hỗ trợ người dân về phương tiện, dụng cụ lao động sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi. Hướng dẫn, vận động người dân đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để tăng năng suất, giá trị hàng hóa. Đồng thời, chú trọng quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với sản xuất của người dân.
Ảnh: Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: Anh Tuấn
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn