Hồ tiêu là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, hiện nay đang được nhiều hộ gia đình tại các xã, thị trấn quan tâm mở rộng diện tích canh tác. Tuy nhiên, hầu hết nông hộ trồng tiêu còn hạn chế về kỹ thuật chăm sóc nên năng suất thu hoạch chưa cao. Do đó, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và công nghệ Khánh Hòa) đã triển khai thực hiện đề tài “Ứng dụng quy trình thâm canh cây hồ tiêu phù hợp với điều kiện canh tác tại Khánh Sơn”, nhằm góp phần giúp bà con nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, tiết kiệm nguồn nước tưới và công chăm sóc. Đề tài do Kỹ sư Trần Hữu Thế (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa) làm chủ nhiệm.
Đến nay, toàn huyện đã trồng được hơn 50 ha hồ tiêu, kinh phí đầu tư ban đầu cho 1 ha khá cao, khoảng 600-700 triệu đồng. Tuy nhiên, hầu hết người dân mới trồng tự phát và chăm sóc theo kinh nghiệm và phương pháp truyền thống nên việc canh tác hồ tiêu chưa đạt năng suất cao (bình quân khoảng 1,5 tấn/ha) và chưa mang tính bền vững. Để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất tiêu ở Khánh Sơn, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện đề tài “Ứng dụng quy trình thâm canh cây hồ tiêu phù hợp với điều kiện canh tác tại Khánh Sơn trong 24 tháng (2015-2017). Sau khi khảo sát hiện trạng cây hồ tiêu ở địa phương, đề tài được thực hiện với mô hình thâm canh cây hồ tiêu kết hợp với xây dựng mô hình hệ thống tưới nước tiết kiệm và trồng tiêu bền vững áp dụng theo quy trình thâm canh cây hồ tiêu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, sẽ hoàn chỉnh quy trình thâm canh cây tiêu kết hợp với hệ thống tưới tiết kiệm phù hợp với điều kiện canh tác tại Khánh Sơn để tập huấn phổ biến rộng rãi cho nông dân. Mục tiêu của đề tài là góp phần nâng cao năng suất hồ tiêu lên trên 2 tấn khô/ha. Hiện tại đề tài đã bắt đầu được triển khai thực hiện trên vườn tiêu của nông hộ tại xã Sơn Trung.
Ảnh: Bà con nông dân thu hoạch tiêu
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn