Mấy năm gần đây, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao tại Khánh Sơn đã bị thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, giảm năng suất, chất lượng, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Hiện nay, ngành nông nghiệp huyện đang triển khai thực hiện các biện pháp cải tạo nguồn giống chuối, cà phê, mía tím để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho bà con.
Nguồn giống thoái hóa
Được du nhập vào từ miền Bắc đã khá lâu, những năm trước cây mía tím trồng ở Khánh Sơn cho năng suất, chất lượng vượt trội so với các địa phương khác trong tỉnh. Mỗi năm mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ ha cho nhiều nông hộ, kể cả bà con dân tộc thiểu số. Tuy nhiên qua mỗi mùa thu hoạch, người trồng mía lại tái sử dụng phần ngọn hoặc gốc mía của chính ruộng mía đó để trồng cho vụ sau. Dẫn đến nhiều ruộng mía bị thoái hóa, phát sinh sâu bệnh. Bà Mấu Thị Mộc, một người dân trồng mía tại tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp chia sẻ: “Năm nay gia đình tôi trồng được 2 sào mía. Vì thương lái thường mua cả ngọn mía để bảo quản được lâu hơn, nên gia đình tôi phải để mía lưu gốc vụ sau. Trên cùng một diện tích, nếu trồng bằng ngọn thì sẽ cho năng suất khoảng 4.800 cây/ sào, nhưng nếu để lưu gốc, mía kém phát phát triển, năng suất chỉ bằng một nửa hoặc hơn một chút thôi. Mong các ngành chuyên môn sớm tìm được giống mía tốt để nông dân chúng tôi nâng cao năng suất”.
Đối với cây chuối mốc, huyện Khánh Sơn có khoảng 700 ha, đây là một trong những loại cây trồng mang lại nguồn thu nhập nhập chính cho hầu hết bà con dân tộc thiểu số. Nhưng vì bà con chỉ sử dụng giống chuối tại địa phương, chất lượng thấp nên mấy gần đây nhiều diện tích chuối nhiễm sâu bệnh, giá bán giảm. Do đó diện tích chuối trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể. Điển hình như xã Ba Cụm Bắc, một trong những địa phương trồng nhiều chuối của huyện, diện tích đã giảm đến hơn 70%. Bà Mấu Thị Ngợ, cán bộ khuyến nông xã Ba Cụm Bắc cho biết: “Trên địa bàn xã Ba Cụm Bắc trước đây chuối phát triển rất tốt, không ít hộ gia đình có thu nhập khá giả nhờ chuối. Nhưng nay hầu hết diện tích chuối trên địa bàn xã đã bị thoái hóa, năng suất giảm, chất lượng không còn thơm ngon như trước nên đa số bà con đã phá bỏ cây chuối để trồng keo hoặc bắp”.
Chuyển sang giống cấy mô
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, thực hiện Nghị quyết huyện đảng bộ về việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản tại địa phương, hiện nay phòng NN&PTNT huyện đang triển khai thực hiện thí điểm việc sử dụng giống cấy mô sạch bệnh để thay thế một số giống cây trồng đã bị thoái hóa. Vừa qua, đơn vị đã cung cấp 5.000 cây chuối mốc cấy mô (từ Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Khánh Hòa) cho bà con nông dân các xã Thành Sơn, Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc và thị trấn Tô Hạp trồng thí điểm trên tổng diện tích 5ha, nếu đề tài thành công sẽ nhân rộng ra sản xuất đại trà trên địa bàn huyện nhằm góp phần giúp bà con nâng cao giá trị hàng hóa của cây chuối. Bà Cao Thị An (thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc) cho biết “Hơn hai tháng trước, gia đình tôi được phòng NN&PTNT huyện cấp hỗ trợ 500 cây chuối mốc cấy mô để trồng thí đểm. Sau khi xuống giống, gặp trời nắng, hai vợ chồng tôi phải gùi nước từ dưới suối lên đồi để tưới cho cây khỏi chết khô. Cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ khuyến nông xã về kỹ thuật chăm sóc, hiện nay 5 sào chuối của gia đình tôi đang phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt 100%”. (Ảnh: Diện tích chuối mốc cây mô trồng xen bắp của gia đình bà An đang phát triển khá tốt).
Cũng theo ông Hiếu, Phòng NN&PTNThuyện cũng đã tham mưu cho UBND huyện về việc chuyển sang trồng giống mía tím cấy mô, dần thay thế giống mía tại địa phương để cho năng suất, sản lượng cao hơn. Dự kiến phòng NN&PTNT huyện sẽ đưa giống cấy mô vào trồng thí điểm vào năm 2016. “Bên cạnh đó, thời gian qua phòng đã giao cho Trạm Khuyến nông huyện triển khai thực hiện mô hình cấy ghép chồi cà phê tại các xã, thị trấn. Đến nay mô hình này đã phát huy hiệu quả khá tốt, một số hộ gia đình đã áp dụng vào sản xuất”, ông Hiếu cho biết. Ngoài ra, theo kế hoạch trong thời gian tới, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa sẽ triển khai đề tài “Ứng dụng quy trình thâm canh cây cà phê kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm phù hợp với điều kiện canh tác huyện Khánh Sơn” nhằm góp phần tăng tính cạnh tranh của hàng hóa nông sản Khánh Sơn trên thị trường.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn