Nhiều năm qua, chuối là một trong những loại cây trồng chủ lực tại địa phương, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Có thời điểm diện tích chuối toàn huyện đã phát triển đến cả nghìn ha. Tuy nhiên, hầu hết diện tích chuối tại các xã, thị trấn đã được trồng nhiều năm về trước, có một số diện tích được trồng cách đây đến vài chục năm, nhưng không được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cải tạo nguồn giống, dẫn đến cây chuối bị già cỗi, thoái hóa, phát sinh sâu bệnh, năng suất sụt giảm. Hiện nay, diện tích chuối toàn huyện giảm còn khoảng 700 ha, do bà con nông dân chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp và một số loại cây trồng khác.
Xác định trong những năm tới, chuối vẫn là một trong những loại cây trồng chủ lực của người dân địa phương, tuy nhiên huyện không khuyến khích bà con mở rộng thêm diện tích loại cây trồng này mà tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng diện tích chuối hiện có. Hiện nay các ngành chức năng của huyện đang triển khai thực hiện một số giải pháp nhằm cải tạo, nâng cao sản lượng, giá trị hàng hóa của cây chuối. Theo kế hoạch đến năm 2020 diện tích chuối toàn huyện sẽ thu gọn còn khoảng 600 ha, chủ yếu bố trí tập trung trên vùng gò đồi có độ dốc 150- 200 , ở những khu vực như xã Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, thị trấn Tô Hạp. Bắt đầu từ năm 2015, phòng NN&PTNT huyện đã triển khai thực hiện thí điểm đề án chuyển đổi sang giống chuối mốc cấy mô sạch bệnh trên diện tích khoảng 5 ha. Đến nay hầu hết diện tích chuối mốc cấy mô đã xuống giống đang phát triển khá tốt. Dự kiến sau một năm trồng thí điểm, nếu thành công, giống chuối mốc cấy mô sẽ được đưa vào sản xuất đại trà tại những khu vực có địa hình ít đồi dốc như ở Ba Cụm Bắc, Thành Sơn, thị trấn Tô Hạp.
Ảnh: Người dân xã Thành Sơn tiêu thụ chuối
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn