Nghề mây tre đan là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Từ bao đời nay, bà con duy trì nghề đan lát để làm những vật dụng phục vụ sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, nghề mây tre đan hiện nay chỉ còn duy trì ở một số ít gia đình và mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ và có nguy cơ mai một.
Một số hộ gia đình vẫn duy trì nghề đan lát truyền thồng
Mấy năm gần đây, một số gia đình đã tăng số lượng sản phẩm để tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay các sản phẩm đan lát của bà con được bán với giá từ 250.000 đến 400.000 đồng tùy theo từng vật dụng, có mặt hàng được bán với giá 600.000 đến 700.000 đồng một chiếc như các loại nỏ. Một lao động tay nghề cao có thể thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng một tháng từ nghề mây tre đan. Tuy nhiên, những gia đình còn duy trì nghề đan lát truyền thống tại các xã, thị trấn còn rất ít và thường chỉ có người lớn tuổi trong nhà mới biết làm, còn hầu hết thế hệ trẻ không biết hoặc không có tâm huyết với ngành nghề truyền thống của dân tộc. Do đó, nghề mây tre đan của đồng bào dân tộc thiểu số mới chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự liên kết, sản phẩm làm ra không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trên thị trường nên chưa phát huy được hiệu quả kinh tế.
Để giữ gìn và phát huy được nghề truyền thống của đồng bào địa phương, huyện đã xây dựng đề án “Khôi phục và phát triển nghề mây tre đan truyền thống trên địa bàn huyện Khánh Sơn” giai đoạn 2016-2020. Theo đó, huyện sẽ thực hiện các chính sách khuyến khích về đất đai, nguồn vốn, khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ…để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phát triển ngành nghề. Đồng thời quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nghề mây tre đan tại địa phương.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn