Như bao miền quê khác, sau 60 năm giải phóng (1960-2020), từ một huyện nghèo, thuần nông, đến nay Khánh Sơn đã có bước phát triển mạnh mẽ và khá toàn diện. Đến cuối năm 2019 thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng, tăng 1,97 lần (giai đoạn 2015-2020); số hộ nghèo bình quân hàng giảm 6,4% (giai đoạn 2015-2020)…
Phát huy thành quả cách mạng to lớn đã đạt được, ngay sau ngày giải phóng cùng với Nhân dân trong cả nước, Đảng bộ và Nhân dân huyện Khánh Sơn bắt tay vào xây dựng, bảo vệ thành quả cách mạng trên mảnh đất quê hương. Tập trung khắc phục hậu quả của chiến tranh; tăng gia sản xuất; giữ gìn an ninh trật tự, từng bước ổn định đời sống Nhân dân. Đặc biệt, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của Tỉnh, cùng với sự tác động tích cực của các chính sách, giải pháp cụ thể đã tạo cơ hội cho huyện Khánh Sơn phát triển.
Toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên 33.802ha, có 8 đơn vị hành chính, gồm: 7 xã, 1 thị trấn, dân số trên 25 nghìn người, với 12 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn 31 thôn, tổ dân phố. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là từ khi tái lập huyện (1985-2020) mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức trong điều kiện của một huyện miền núi, xuất phát điển thấp, kinh tế thuần nông, sản xuất lạc hậu. 5 năm qua (2015-2020), Đảng bộ và Nhân dân trên địa bàn huyện đã đoàn kết và nỗ lực phấn đấu, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đặc biệt thực hiện có hiệu quả các chương trình kinh tế trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV nhiệm kỳ (2015-2020) đề ra, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực nông nghiệp, dịch vụ-du lịch, công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tỷ lệ hộ nghèo từ 57, 27% năm 2015 giảm xuống còn 32,06% năm 2020. Đời sống Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện được cải thiện rõ rệt, đến nay hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đều đạt và vượt so chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Nhờ được ưu tiên với nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích nên giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tăng hơn 6,22%/năm; thương mại-dịch vụ và du lịch tăng 10,23%. Đảng bộ huyện xác định sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế quan trọng trong điều kiện là huyện miền núi thuần nông. Huyện đã chỉ đạo tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, tăng vụ để nâng cao chất lượng nông sản, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 8,47%/năm. Hiện nay trên địa bàn huyện đã có các vườn cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: cà phê, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, chôm chôm…mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đến tỷ đồng. Kinh tế trang trại ngày càng phát triển đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình. Kinh tế ngày càng đi lên đã tạo điều kiện thuận lợi để huyện đầu tư cho các lĩnh vực: văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và xóa đói, giảm nghèo. Trên lĩnh vực Giáo dục-Đào tạo toàn huyện có 22 điểm trường học, các trường được đầu tư xây dựng kiên cố, trang thiết bị đầy đủ, đảm bảo yêu cầu dạy và học; tỷ lệ học sinh đúng độ tuổi ra lớp của các cấp học đạt 98%; công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục được duy trì; tỷ lệ lưu ban, bỏ học giảm đáng kể; phong trào học tập được nâng cao đã và đang trở thành nhu cầu của Nhân dân, nhất là đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Cơ sở y tế được củng cố; công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân được đảm bảo, tích cực phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái; 8/8 xã của huyện có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế có Y, Bác sĩ và có cán bộ y tế thôn bản, có 1 bệnh viên huyện và 1 phòng khám đa khoa khu vực; cán bộ y tế được tăng cường, sức khỏe Nhân dân được chăm sóc tốt hơn. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả; số lao động có việc làm cũng như đã qua đào tạo ngày càng tăng; bình quân mỗi năm số lao động có việc làm tăng thêm 478 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đến năm 2020 đạt 52%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn huyện. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tiếp tục xây dựng, củng cố, hoạt động có chất lượng, hiệu quả đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.
Trong những ngày này, với khí thế thi đua sôi nổi lập thành tích chào thành công Đại hội Đảng bộ huyện và tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ (2020-2025), tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đảng bộ và Nhân dân huyện Khánh Sơn tiếp tục thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội. Phấn đấu đến năm 2025 bình quân hàng năm giá trị sản xuất nông nghiệp tăng từ 10% trở lên; Dịch vụ-Du lịch tăng 10%; Sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng 8%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 50% quy mô hộ nghèo so với năm 2020 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025); tỷ lệ hộ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm giảm từ 3-4%; bình quân thu nhập đầu người đạt 48 triệu/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; 450 lao động có việc làm tăng thêm và tiếp tục việc quy hoạch mạng lưới du lịch tổng thể trên địa bàn huyện, cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động một số điểm du lịch để đạt được các mục tiêu đề ra. Ngoài việc huy động tối đa mọi nguồn lực, Huyện tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, coi đó là biện pháp có tính đột phá để phát triển trên tất cả các lĩnh vực.
Những kết quả đạt được trong 5 năm qua, khẳng định sức sống mảnh liệt giàu truyền thống văn hóa cách mạng, củng cố thêm niềm tin và quyết tâm của cán bộ, Nhân dân địa phương đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước.
Mỹ Lệ