Đợt mưa lũ trong những ngày đầu tháng 11 đã gây thiệt hại nặng về hệ thống giao thông, thủy lợi, công trình nước sạch và diện tích sản xuất tại Khánh Sơn. Huyện đề xuất cấp trên hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trước đây, gia đình bà Cao Thị Lín (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) có gần 3 sào đất trồng mía ven sông Tô Hạp. Tuy nhiên sau mỗi mùa mưa lũ, diện tích ruộng mía của gia đình bà cứ giảm dần do sạt lở đất. Nay chỉ còn nửa sào. Sau vụ mía 2016, bà chuẩn bị ngọn để dự định sau đợt mưa vừa qua sẽ xuống giống. “Tuy nhiên nước lũ vừa qua đã cuốn trôi hết số ngọn mía giống của gia đình tôi và cả một hộ gia đình bên cạnh. Hiện tại việc mua giống mía để sản xuất là rất khó khăn với gia đình tôi. Vì thế tôi đang phải đi làm công kiếm tiền mua ngọn mía để kịp thời xuống giống vụ tiếp theo”, bà Lín chia sẻ.
Theo thống kê ban đầu của một số xã như Sơn Hiệp, Sơn Trung, Sơn Bình, Ba Cụm Bắc, đợt mưa lũ vừa qua đã làm sạt lở đất sản xuất, hoa màu, keo, mía tím ngập úng, đổ ngã khoảng hơn 30 ha; 4 con trâu, bò bị chết, hơn 10 ao cá bị thiệt hại…Tại Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam có 7 căn nhà bị sập tường, sập mái, sạt vách…Về hệ thống nước sinh hoạt, nước lũ đã làm hư hỏng hệ thống cấp nước tại các xã như Ba Cụm Bắc, thôn Xóm Cỏ (xã Sơn Bình). Bên cạnh đó, xã Sơn Trung bị thiệt hại hệ thống kênh mương, đập Đầu Bò Thượng. Nhưng thiệt hại nặng nhất phải kể đến hệ thống giao thông tại các xã, thị trấn. Theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) huyện Khánh Sơn, đợt mưa lũ vừa qua đã làm ngập các cầu tràn như: cầu tràn thôn Tà Gụ, cầu cây Sung (xã Sơn Hiệp); cầu tràn từ Sơn Trung đi xã Sơn Hiệp; cầu tràn thôn Xóm Cỏ, cầu tràn thôn Liên Bình (xã Sơn Bình); cầu tràn xã Sơn Lâm đi Thành Sơn…. Hậu quả là nhiều tuyến đường, cầu cống bị hư hỏng như: tuyến đường Đỉnh Đèo vào xã Ba Cụm Nam, từ Đỉnh Đèo đi thị trấn Tô Hạp bị sạt lở 1 số điểm, gây ách tắc giao thông; cầu tràn số 2 thôn Tà Gụ (xã Sơn Hiệp) bị hư hỏng; sạt lở đường bê tông đi cầu treo thôn Cam Khánh (xã Sơn Lâm)… Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho biết: Đợt mưa lũ vừa qua đã cuốn trôi hoàn toàn đoạn đường vào khu sản xuất thôn Ma O (diện tích khoảng hơn 200 ha). Tại đây bà con trồng các loại cây ăn quả và bắp. Hiện tại đang là thời điểm thu hoạch bắp nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại và vận chuyển nông sản”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo khắc phục tạm thời một số tuyến giao thông quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, như: đoạn đường từ Đỉnh Đèo vào xã Ba Cụm Nam, từ Đỉnh Đèo đi thị trấn Tô Hạp, đoạn đường nối liền xã Sơn Trung và Sơn Hiệp….Bên cạnh đó, một số hệ thống nước sinh hoạt bị hư hỏng cũng đã được khắc phục để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Cũng theo ông Hiếu, thời gian qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của các ngành các cấp, công trình bờ kè bảo vệ thị trấn Tô Hạp đã được xây dựng. “Trong đợt mưa lũ vừa qua, công trình này đã phát huy hiệu quả khá tốt trong việc bảo vệ đất đai tại khu vực này, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện. Vì thế, bên cạnh việc kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, địa phương cũng rất mong muốn các ngành các cấp quan tâm đầu tư tiếp tục xây dựng bờ kè kiên cố tại những khu vực khác”, ông Hiếu nói.
Theo ước tính ban đầu của BCH PCTT&TKCN huyện, để khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra trong những ngày đầu tháng 11, địa phương cần hỗ trợ nguồn kinh phí khoảng hơn 9 tỷ đồng.
Ảnh: Diện tích cà phê của người dân bị sạt lở
Cầu tràn tại xã Sơn Hiệp bị hư hỏng
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn