Trong những năm qua, chủ trương giảm nghèo luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và kinh nghiệm trong xây dựng và tổ chức thực hiện. Giảm nghèo bền vững đã trở thành chính sách nền tảng, xuyên suốt, luôn được cập nhật, bổ sung trong hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta.Nhận thức được tầm quan trọng của việc triển khai các chính sách giảm nghèo, UBND huyện Khánh Sơn đã triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo nhờ đó đã góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo của địa phương, cải thiện rõ rệt đời sống của người nghèo, hạ tầng vùng nghèo, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2017 thì đầu năm 2018 trên địa bàn huyện có 3.235 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 48,32%, trong đó số hộ nghèo thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công là 105 hộ, chiếm tỷ lệ 3,25%. Cuối năm 2019 (số liệu tính đến ngày 31/12/2019) trên địa bàn huyện Khánh Sơn có 2.320 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 33,3%, trong đó số hộ nghèo thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công là 42 hộ, chiếm tỷ lệ 1,81%. Như vậy trong 02 năm (2018-2019) trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã giảm được 915 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm trong 02 năm đạt 15,02%. Trong đó số hộ có thành viên là người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo đã giảm được 63 hộ, tỷ lệ giảm 1,44%.
Một trong những chính sách giảm nghèo mang lại hiệu quả phải kể đến việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh Khánh Hòa về các chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo tỉnh Khánh Hòa đã được UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể:
Đối với Chính sách hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng: trong hai năm 2018-2019, UBND huyện Khánh Sơn đã triển khai hỗ kinh phí để trang bị phương tiện nghe nhìn cho các hộ thiếu hụt về tài sản tiếp cận thông tin. Trợ cấp hàng tháng cho hộ gia đình có thành viên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp chính sách người có công với số tiền 280 triệu đồng; cụ thể: năm 2018 đã triển khai hỗ trợ 63 triệu đồng cho 21 hộ để trang bị phương tiện nghe nhìn thiếu hụt về tài sản tiếp cận thông tin (định mức 3.000.000 đồng); triển khai trợ cấp hàng tháng cho hộ gia đình có thành viên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp chính sách người có công (định mức 700.000 đồng/tháng/người) cho 24 hộ với 25 người được hưởng chính sách với số tiền 70 triệu đồng. Năm 2019: Trợ cấp hàng tháng cho hộ gia đình có thành viên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp chính sách người có công (định mức 700.000 đồng/người/tháng) cho 23 hộ với 25 người được hưởng chính sách với số tiền 210 triệu đồng.
Đối với chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững: từ năm 2018-2019 với các thủ tục vay đơn giản, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã tiến hành cho 21 hộ mới thoát nghèo và có nhu cầu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm từng bước ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững, được hỗ trợ lãi suất vốn vay với mức hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay của hộ mới thoát nghèo (theo lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội) trong vòng 03 năm kể từ khi vay vốn với số tiền 1.270 triệu đồng. Cụ thể: năm 2020 triển khai hỗ trợ cho vay 01 hộ với số tiền 50 triệu đồng; năm 2019 triển khai hỗ trợ cho vay 20 hộ với số tiền 1.220 triệu đồng.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn ở mức cao so với bình quân chung của cả tỉnh; số hộ nghèo thuộc hộ người có công, hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số của huyện vẫn còn cao; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn rất khó khăn, khả năng tự tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống còn hạn chế. Vì vậy, UBND huyện Khánh Sơn tiếp tục kiến nghị Sở lao động Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh xây dựng thêm các chính sách hỗ trợ cho người nghèo để giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững./.