Thực hiện Công văn số 7796/ UBND-KT ngày 18/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 19/7/2022 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ Chương trình trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2022-2025; UBND huyện đã ban hành công văn số 2776/UBND ngày 29/8/2022 Giao Phòng Nông nghiệp & PTNT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 19/7/2022 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2022-2025.
Theo đó, Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 19/7/2022 của HĐND tỉnh có 6 điều gồm Điều 1: Quy định chung, Điều 2: Đối tượng áp dụng, Điều 3: điều kiện và phương thức hỗ trợ Điều 4: Nội dung và định mức hỗ trợ, Điều 5: Kinh phí thực hiện và Điều 6: Tổ chức thực hiện. Cụ thể:
Về chính sách hỗ trợ triển khai hỗ trợ: Hỗ trợ triển khai Chu trình OCOP thường niên, Hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm đối với các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình, Hỗ trợ điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP; Trong đó, Tại Nghị quyết này, đã quy định Hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm đối với các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình cụ thể như: Mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm: Hỗ trợ một lần 30% kinh phí; tối đa không quá 300 triệu đồng đối với chủ thể là hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ và vừa, không quá 200 triệu đồng đối với các chủ thể là tổ hợp tác, trang trại và chủ thể là hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng: Hỗ trợ một lần 70% chi phí, tối đa không quá 15 triệu đồng/sản phẩm, Xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (SSOP, GMP, ISO, HACCP): Hỗ trợ một lần 100% chi phí đánh giá chứng nhận lần đầu, tối đa không quá 40 triệu đồng/hệ thống trong trường hợp chủ thể tự thực hiện và tối đa không quá 50 triệu đồng/hệ thống trong trường hợp chủ thề thuê tư vấn thực hiện. Xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến: Hỗ trợ một lần 50% chi phí, tối đa không quá 20 triệu đồng/chủ thể. Thiết kế bao bì, nhãn mác sản phẩm, đăng ký mã số, mã vạch, tem điện tử (truy xuất nguồn gốc), áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc: Hỗ trợ một lần 100% chi phí, tối đa không quá 50 triệu đồng/chủ thể. Xây dựng câu chuyện sản phẩm: Hỗ trợ 100% chi phí, tối đa không quá 03 triệu đồng/sản phẩm, với điều kiện sản phẩm được Hội đồng cấp huyện đánh giá đạt 50 điểm trở lên. Tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh: Hỗ trợ 100% chi phí, không quá 10 triệu đồng/lần tham gia; mỗi chủ thể chi được hỗ trợ tối đa 02 lần/năm. Và đặc biệt đối với hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh được hỗ trợ một lần 70% kinh phí, tối đa không quá 200 triệu đồng/điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP để Mua sắm giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, tủ bảo quản sản phẩm, trang trí và các nội dung cần thiết, phù hợp khác bên trong.
Về phương thức thanh toán: Ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện Chương trình OCOP cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện chính sách.
Chính sách mới được ban hành góp phần đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện; góp phần tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu mang tính chất đặc trưng lợi thế của địa phương, qua đó nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân và bổ trợ cho chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện./.