Ngày 16/6/2022, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 55/2022/NQ-QH về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa với nhiều điểm đột phá. Nghị quyết 55 của Quốc hội vừa mới thông qua (có hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày 1-8-2022) là sự cụ thể hóa cho việc triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nghị quyết tập trung 6 nội dung cơ bản, có tính đặc thù gồm: Tài chính và ngân sách; quản lý và quy hoạch; quản lý đất đai; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu Kinh tế Vân Phong; phát triển kinh tế biển.
Theo đó, tại khoản 3, điều 4 của Nghị quyết quy định: Hội đồng nhân dân Tỉnh quyết định cho phép các huyện, thị xã, thành phố thuộc Tỉnh được sử dụng ngân sách các huyện, thị xã, thành phố và nguồn hợp pháp khác để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đây chính là một chính sách đặc thù dành cho tỉnh Khánh Hòa nói chung và huyện Khánh Sơn nói riêng. Theo định hướng Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, huyện Khánh Sơn sẽ là tiểu đô thị sinh thái núi rừng. Đây là cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức đối với huyện Khánh Sơn. Vì thế, huyện Khánh Sơn cần được ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng hợp lý, đồng bộ để có động lực phát triển toàn diện và bền vững hơn. Để tranh thủ cơ hội từ Nghị quyết số 55 của Quốc hội, huyện Khánh Sơn đã tiến hành rà soát nhu cầu tổng kinh phí là 486.000 triệu đồng, dự kiến danh mục 6 công trình, dự án cần đầu tư. Theo đó, địa phương kiến nghị đầu tư xây dựng các công trình cấp thiết, gồm: 3 công trình thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi; Hồ Tà Lương, Hồ Sơn Bình; Khu tái định cư Tà Lương, thị trấn Tô Hạp, với tổng nhu cầu vốn khoảng 360 tỷ đồng. 2 công trình thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo: xây dựng trường THCS Tô Hạp; xây dựng và cải tạo Trường Tiểu học Tà Giang 1, xã Thành Sơn, với tổng nhu cầu vốn khoảng 26 tỷ đồng. Lĩnh vực Y tế: Xây dựng trung tâm Y tế khoảng 100 tỷ đồng...
Khánh Sơn là huyện miền núi nghèo với dân số khoảng trên 26,5 ngàn dân với 75,4% là người đồng bào dân tộc thiểu số; mặc dù trong những năm gần đây, địa phương được ưu tiên phát triển trên tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội; tuy nhiên, Khánh Sơn với đặc thù của một huyện miền núi nằm tách biệt với đồng bằng, nền kinh tế thuần nông, giao thông đi lại khó khăn, đời sống cũng như trình độ dân trí còn thấp; hiện nay, địa phương vẫn là huyện nghèo, số hộ nghèo còn khá cao 1.371 hộ, chiếm tỉ lệ 18,42% hộ dân trên địa bàn huyện; Cơ sở hạ tầng vẫn còn nhiều hạn chế đặc biệt là đối với hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp, hạ tầng phục vụ cho phát triển giáo dục và hạ tầng phát triển ngành y tế. Với chính sách ưu tiên này, trong thời gian tới, hy vọng cơ sở hạ tầng huyện Khánh Sơn có nhiều đổi mới, nhiều công trình thủy lợi thiết yếu phục vụ cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con Nhân dân cũng như phục vụ công tác phòng chống thiên tai, giảm sạt lỡ sông, suối, bảo vệ khu dân cư; các trường học và bệnh viện được ưu tiên đầu tư nhằm đảm bảo tốt nhất cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi./.