Khánh Sơn là huyện miền núi, với tổng diện tích là 33.853,3ha trong đó đất nông nghiệp là 28.622,1 ha chiếm 84,5%; ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong thay đổi thực trạng nông thôn Khánh Sơn; Vì thế, nông nghiệp là ngành chính và trọng tâm phát triển trong định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện; Trong đó, trong sản xuất nông nghiệp, ngành trồng trọt giữ vai trò chủ đạo trong giá trị toàn ngành; thời gian qua, được sự hỗ trợ đầu tư của Trung ương và của tỉnh; sự cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương; huyện đã thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi diện tích cây trồng hàng năm và cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, trên cơ sở tận dụng và phát huy những lợi thế, giai đoạn 2016-2020 huyện Khánh Sơn đã chuyển đổi được 905 ha các loại cây ăn quả và năm 2021 chuyển đổi 67ha; Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả các loại trên 3.000ha (Sầu riêng 1800ha; Bưởi 343ha; Quýt 38ha; chôm chôm 70ha; chuối 800ha); từng bước xây dựng được một nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá, gắn với thị trường; phần lớn nông sản sản xuất ra được tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh, một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh đang có mặt tại các thị trường lớn và được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá trị sản xuất bình quân/ha đất canh tác ngày càng được nâng cao; hiện nay, huyện Khánh Sơn đang phát triển và trở thành vùng trồng và sản xuất cây ăn quả tập trung của Tỉnh.
Nhằm tạo chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là tiêu thụ nông sản, trên địa bàn huyện đã thành lập 05 HTX cây ăn quả Sơn Bình; HTX nông nghiệp Sơn Hiệp; Hợp tác xã Điền Thanh Sơn Hiệp; HTX nông nghiệp xanh Thành Sơn; HTX Thương mại và dịch vụ và sản xuất HD Nature xã Ba Cụm Bắc mới thành lập năm 2021), với tổng số thành viên đến nay là 43 thành viên, tổng số lao động thường xuyên làm việc trong HTX là 18 người. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp; 09 Tổ hợp tác sản xuất (THT trái cây Sơn Bình; THT Sầu riêng xã Sơn Hiệp; THT trồng mía tím xã Sơn Hiệp; THT trái cây xã Ba Cụm Bắc; THT cây ăn quả Tô Hạp; THT cây ăn quả xã Sơn Trung; THT cây Sầu riêng Sơn Lâm; THT Sầu riêng Thành Sơn; THT Sầu riêng Ba Cụm Nam), với tổng số lượng thành viên 165 người. Lĩnh vực ngành nghề hoạt động là sản xuất nông nghiệp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã (HTX) đã từng bước góp phần hình thành thói quen tiêu thụ sản phẩm sạch, an toàn và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bên cạnh đó, việc ưu tiên phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm bền vững thì việc xây dựng thương hiệu cũng được huyện Khánh Sơn quan tâm, vì các sản phẩm nông sản có thương hiệu sẽ tạo lòng tin của người tiêu dùng vào sản phẩm chuỗi an toàn; hình thành thói quen, tập quán tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ, nhãn mác hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc thực phẩm; Nhận thức được vai trò quan trọng của thương hiệu sản phẩm nông sản, UBND huyện đã chỉ đạo và triển khai nhiều biện pháp để xây dựng thương hiệu nông sản Khánh Sơn; nhờ vào sự quyết tâm của chính quyền địa phương và của Nhân dân trên địa bàn huyện, năm 2019, Sầu riêng Khánh Sơn đã được tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt danh hiệu thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam và đăng ký thương hiệu đối với bưởi da xanh trên địa bàn huyện. Với chủ trương phát triển hàng nông sản “sạch” góp phần giúp Nhân dân mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Đến nay, trên địa bàn đã có 10 sản phẩm của 10 chủ thể được công nhận đạt chuẩn 3 sao với tổng diện tích 255ha (sầu riêng 250ha, Mía tím 5ha); triển khai thực hiện sản xuất theo quy trình Vietgap đối với cây bưởi 10ha.
Song song với công tác xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường nông sản được quan tâm chú trọng, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho HTX và nông dân trên địa bàn huyện.Tuy nhiên, trên thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp của huyện còn nhỏ lẻ, chưa hình thành được các vùng chuyên canh. Nhiều hộ sản xuất chưa tổ chức liên kết thành HTX do vậy sản phẩm cung cấp thị trường manh mún…. Tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp được sản xuất, phân phối tiêu thụ qua chuỗi giá trị còn thấp nên hạn chế trong quá trình tham gia vào hệ thống chuỗi cung ứng thị trường.
Đứng trước sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế hiện nay, đòi hỏi nông nghiệp Khánh Sơn buộc phải chuyển đổi mạnh theo hướng hiện đại hóa và thương mại hóa, theo phương châm tăng giá trị, giảm đầu vào, hình thành các chuỗi giá trị trong một nền kinh tế nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó, trong thời gian tới huyện cần tập trung giải quyết tốt việc tổ chức sản xuất phù hợp với quy mô và đặc thù của từng địa phương, cân nhắc giữa lợi ích ngắn hạn và dài hạn trong việc tăng trưởng bền vững. Tập trung xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng quy trình sản xuất hiện đại; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp... để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn thực phẩm. Tập trung huy động và bố trí các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả nội dung của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"- OCOP; nâng cấp các sản phẩm OCOP đã được công nhận trên địa bàn. Đề xuất điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quản lý thị trường, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích các sản phẩm đảm bảo yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm với mục tiêu chiếm lĩnh thị trường trong, ngoài tỉnh; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, hỗ trợ thông tin thị trường đối với từng sản phẩm hàng hóa; tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả thương hiệu đã xây dựng, được bảo hộ gắn với phát triển chuỗi giá trị./.