Nói đến ngành giáo dục Khánh Sơn cách đây 30 năm, khi mới tái lập huyện là nói đến những lớp học tranh tre nứa lá, học ba ca; toàn ngành chỉ có 120 giáo viên, tòan huyện chưa đến 3.000 học sinh, tỷ lệ học sinh bỏ học có lúc lên đến 30%....Ngày nay, thay vào đó là sự phát triển về hệ thống trường lớp, quy mô giáo dục, chất lượng đào tạo được nâng cao, đặc biệt có nhiều trường không còn học sinh bỏ học.
Khi mới tái lập, toàn huyện chỉ có 8 trường học cho các bậc học từ mầm non đến THCS, cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, thiếu thốn. Được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 20 trường học từ mầm non đến THCS, 1 trường THPT, 1 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 8 Trung tâm học tập cộng đồng và 1 trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú. Tất cả các trường đều được xây dựng quy mô nhà 2 tầng khang trang, kiên cố, đảm bảo cảnh quan môi trường sư phạm; cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học của giáo viên và học sinh. Ngoài trường chính, huyện đã đầu tư mở 40 điểm trường tiểu học, mầm non tại những khu vực xa trung tâm, vùng lõm để đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương. Năm 2015, toàn huyện có 4 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I, bao gồm trường mầm non 1/6, trường mầm non Hoàng Oanh (xã Sơn Trung), trường mầm non Họa Mi (xã Sơn Hiệp) và trường mầm non Sơn Ca (thị trấn Tô Hạp).
Theo Bà Trần Thị Ngọc Duyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Khánh Sơn, nếu khi mới tái lập huyện, toàn ngành chỉ có 120 giáo viên, chủ yếu là tuyển ngang và chỉ có bằng THCS hoặc THPT, mới qua các lớp đào tạo cấp tốc, trình độ cao đẳng, đại học rất ít. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành đã tăng lên khoảng 750 người, 100% giáo viên đạt chuẩn trở lên, trong đó trên chuẩn là 50%. Các trường cũng không còn tình trạng thiếu giáo viên đứng lớp như những năm trước. Nhờ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, hầu hết giáo viên đều có đời sống ổn định, yên tâm công tác tại miền núi.
Về quy mô học sinh, năm học 2015-2016, số học sinh toàn huyện gần 7.000 em (trong đó khoảng 5.000 học sinh là con em dân tộc thiểu số), tăng gấp đôi so với năm 1990. Nếu những năm mới tái lập huyện, tỷ lệ học sinh bỏ học lên đến 20-30%, năm 1995 giảm còn 7-10%, 2-3 năm trở lại đây con số này chỉ còn dưới 1%. Năm học 2014-2015, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi ra lớp đạt 99,8%; trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; gần 100% học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp 6…. Hiện nay, tất cả các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện và một trường phổ thông dân tộc nội trú đã thực hiện bán trú cho học sinh. Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc huy động học sinh ra lớp, hạn chế tình trạng lưu ban, bỏ học, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, nâng cao chất lượng học tập. Ông Phạm Văn Thành, Hiệu trưởng trường phổ thông Dân tộc nội trú Khánh Sơn cho biết: “Năm học vừa qua, toàn trường có 225 học sinh. Tất cả các em đều được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của nhà nước đối với học sinh dân tộc nội trú. Vào mỗi đầu năm học, các em được trang bị sách vở, quần áo, áo mưa. Đó là nguồn hỗ trợ và động viên rất lớn, giúp các em yên tâm học tập và sinh hoạt tại trường”.
Với phương châm giáo dục toàn diện cho học sinh, tăng cường đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, sử dụng tối đa, hiệu quả đồ dùng dạy học sẵn có, kết hợp với việc thường xuyên tổ chức thao giảng, kiểm tra tay nghề của giáo viên trong quá trình giảng dạy. Ngành giáo dục huyện thường xuyên tổ chức phong trào thi đua dạy tốt học tốt, thi học sinh giỏi nhằm khích lệ giáo viên và học sinh phát huy tính tích cực, sáng tạo trong dạy và học. Mấy năm gần đây, các trường trên địa bàn huyện đều được trang bị Internet, tạo thuận lợi cho giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào các tiết học... Nhờ đó, chất lượng giáo dục của các cấp học từng bước được nâng cao. Hiện nay, toàn huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS và đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu phổ cập THPT. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng 2-3% mỗi năm; tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm. Số học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và huyện đạt giải ngày càng tăng. Đặc biệt, năm học vừa qua học sinh của Khánh Sơn đã đạt giải nhì cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” toàn quốc.
Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, ngành giáo dục Khánh Sơn đã chú trọng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động sự đóng góp của cộng đồng, hỗ trợ chế độ học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh, trang thiết bị dạy học và phục vụ bán trú. Tại các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị đều đã thành lập chi, tổ hội khuyến học, dòng họ khuyến học.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, ngành giáo dục Khánh Sơn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: nhiều học sinh thiếu chuyên cần, chưa đi học đầy đủ 2 buổi/ngày; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn khá cao (gần 30%); hầu hết các trường còn thiếu hệ thống phòng chức năng, các công trình phụ trợ; chất lượng giáo dục đã được cải thiện nhưng chưa đồng đều.
Ông Mấu Thái Cư, Bí thư Huyện ủy Khánh Sơn cho biết: “Trong thời gian tới huyện tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục tích cực đổi mới phương pháp dạy học; chỉ đạo các ngành, đoàn thể và các địa phương thực hiện tốt công tác vận động học sinh ra lớp, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục, nhất là xây dựng các trường chuẩn quốc gia, phấn đấu trong giai đoạn 2015-2020 có thêm 3-4 trường đạt chuẩn quốc gia. Qua đó nhằm nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, thu hẹp khoảng cách với miền xuôi, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới”.
Hiện nay, tất cả các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn huyện và Trường phổ thông dân tộc nội trú đã thực hiện bán trú cho học sinh
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn