Do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên mấy năm trước đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được xem là vấn đề nổi cộm ở địa bàn huyện. Năm 2013, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo ngành dân số huyện triển khai thực hiện mô hình giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các xã, thị trấn. Khánh Sơn cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện mô hình này. Sau 3 năm thực hiện, đến nay tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện đã giảm hẳn và không còn trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện, thời gian qua Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện đã phối hợp với các ngành liên quan, các tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung mô hình giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình ký bản cam kết không để xảy ra tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; không xét hộ nghèo, gia đình văn hóa hoặc áp dụng hình thức xử lý, răn đe đối với những hộ gia đình vi phạm bản cam kết. Điều quan trọng là đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số ở cơ sở luôn sâu sát từng hộ gia đình, những đối tượng trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là kịp thời phát hiện những trường hợp có nguy cơ tảo hôn hoặc hôn nhân cận huyết thống để có biện pháp tiếp cận, tìm hiểu hoàn cảnh cụ thể từng người, từ đó tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục.
Cán bộ Trung tâm dân số KHHGĐ tuyên truyền tại các hộ gia đình
Theo bà Cao Thị Nhiệu (cán bộ chuyên trách dân số xã Sơn Hiệp), có nhiều gia đình, cán bộ dân số và cộng tác viên (CTV) dân số cơ sở phải tranh thủ thời gian buổi trưa hoặc buổi tối để đến tuyên truyền, vận động. “Vào thời điểm sản xuất chính vụ, sau khi đến nhà nhiều lần không gặp được bà con, chúng tôi phải tìm đến tận nương rẫy mới tiếp cận được đối tượng. Sau đó phải mất nhiều thời gian trò chuyện, tìm hiều hoàn cảnh gia đình, tuyên truyền, giải thích thì họ mới hiểu được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, bà Nhiệu chia sẻ.
Ngoài những trường hợp sống cùng gia đình, một số trẻ vị thành niên, thanh niên đang theo học tại các trường THCS, THPT cũng vi phạm luật hôn nhân và gia đình về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Do đó, thời gian qua, các trường THCS và THPT trên địa bàn huyện cũng đã tích cực triển khai thực hiện mô hình giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Điển hình như trường Phổ thông Dân tộc nội trú Khánh Sơn, năm 2013 đã thành lập CLB Tư vấn tiền hôn nhân với nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục học sinh về vấn đề tình bạn, tình yêu, sức khỏe sinh sản vị thành niên, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ông Lê Xuân Điển, Chủ nhiệm CLB Tư vấn tiền hôn nhân của trường cho biết: “Nhà trường đã lập hòm thư tư vấn để giải đáp những thắc mắc của học sinh về vấn đề sức khỏe sinh sản vị thành niên. Hằng năm tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm hoặc hội thi để tuyên truyền, giáo dục các em về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”. Nhờ đó, trong mấy năm qua, đơn vị không có học sinh tảo hôn hay kết hôn cận huyết thống.
Nhờ những giải pháp quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan ban ngành, tổ chức đoàn thể, các xã, thị trấn, mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả khả quan, nhận thức của người dân về vấn đề này đã được nâng cao hơn trước. Số cặp vợ chồng đăng ký kết hôn tăng trên 10% mỗi năm; năm 2013, toàn huyện có 35 trường hợp tảo hôn, năm 2015 con số này giảm còn 18 cặp; trong 2 năm 2014-2015, tại các xã, thị trấn không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống. 3 năm qua, các địa phương cũng đã ngăn chặn kịp thời 6 cặp có nguy cơ tảo hôn. Những kết quả tích cực nêu trên đã góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về dân số/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện.
Theo bà Nguyễn Trần Thúy Vân, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, để tiếp tục thực hiện tốt mô hình giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong thời gian tới, Trung tâm đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó tập trung phối hợp với các cơ quan, ban ngành, tổ chức đoàn thể, nòng cốt là Phòng Dân tộc, các trường và đoàn thanh niên tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động các gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên không tảo hôn hay kết hôn cận huyết thống. Đồng thời chỉ đạo đội ngũ cán bộ dân số và CTV dân số ở cơ sở phải luôn sâu sát, nắm bắt hoàn cảnh cụ thể của từng trường hợp trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những đối tượng có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tránh tình trạng để sự việc xảy ra rồi mới tìm cách giải quyết hậu quả. “Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần có hình thức khen thưởng kịp thời, phù hợp những người kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đồng thời có chế tài xử lý đủ sức răn đe, giáo dục đối với những gia đình vi phạm, nhằm góp phần tiến tới mục tiêu không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện”, bà Vân nói.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn