Tính theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện tăng đến 3,4 lần so với năm 2015. Đây là thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo tại địa phương, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, các ngành liên quan và người dân cần có giải pháp phù hợp để nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sinh hoạt và chất lượng sống để hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo tại các xã, thị trấn trong thời gian tới.
Nhiều hộ tái nghèo
Giai đoạn 2011-2015, huyện ta đã nỗ lực thực hiện các giải pháp giảm nghèo và đã đạt kết đáng khích lệ. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn dưới 17% (theo chuẩn cũ). Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới (giai đoạn 2016-2020) của huyện tăng gấp 3,4 lần so với năm 2015, tương đương số hộ nghèo là 3.550 hộ, chiếm tỷ lệ 57,2%; hộ cận nghèo là 406 hộ , chiếm tỷ lệ 6,5%. Trong đó, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là xã Thành Sơn hơn 84% (523 hộ); địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là xã Sơn Trung 36% (266 hộ). Các xã Sơn Lâm hộ nghèo 50,6%, hộ cận nghèo 3,6%; Sơn Bình hộ nghèo gần 62%, hộ cận nghèo hơn 8%; Sơn Hiệp hộ nghèo 65%, hộ cận nghèo 3,3%; Ba Cụm Bắc hộ nghèo 55%, hộ cận nghèo 9,3%; Ba Cụm Nam hộ nghèo 72%, hộ cận nghèo 5,4%;thị trấn Tô Hạp hộ nghèo chiếm tỷ lệ gần 51%, hộ cận nghèo 2,4%. Một số xã tỷ lệ hộ nghèo tăng đến gần 10 lần như Sơn Bình. Toàn huyện có hàng nghìn hộ đã thoát nghèo theo chuẩn cũ, nay lại rơi xuống diện nghèo. Do áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều, không đơn thuần chỉ tính theo thu nhập, mà còn căn cứ vào mức độ tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y yế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin… “Tính theo chuẩn của, gia đình tôi thoát nghèo cách đây 4-5 năm. Nhưng tính theo chuẩn mới gia đình tôi lại tái nghèo. Lý do là vì chúng tôi mới chỉ có nước sạch phục vụ sinh hoạt chứ chưa có công trình vệ sinh tự hoại, điều kiện nhà ở còn trật trội do nhà đông người”, ông Cao A Men, một người dân thôn Ca Tơ, xã Ba Cụm Nam cho biết.
Thực tế nêu trên đang đặt ra thách thức lớn đối với công tác giảm nghèo tại các xã, thị trấn. Theo ông Nguyễn Minh Thành, Chủ tịch UBND xã Ba Cụm Nam, với điều kiện là khu vực đặc biệt khó khăn của huyện, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã gặp nhiều trở ngại, nhất là theo chuẩn nghèo mới, phải đáp ứng được nhiều tiêu chí. “Bên cạnh cái khó trong nâng cao thu nhập cho người dân, hiện nay xã thêm hai cái khó nữa là nước sinh hoạt và công trình vệ sinh. Bên cạnh sự đầu tư của nhà nước những năm trước đây, vừa qua chúng tối đã khoan thêm 3 giếng ở các thôn nhưng cũng không đủ nước cung cấp cho bà con vì ở đây rất khan hiếm nước vào mùa khô. Ngoài ra phần lớn các hộ dân trong xã chưa có điều kiện đầu tư công trình vệ sinh đảm bảo và vẫn giữ thói quen xả rác bừa bãi ra môi trường”, ông Thành nói.
Nhiều hộ tại các xã, thị trấn khó thoát nghèo do khó khăn về điều kiện nhà ở
Tập trung nâng cao thu nhập
Để hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới vẫn là các giải pháp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, cải tạo nguồn giống, thâm canh các loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, tìm đầu ra ổn định cho nông sản. Theo ông Phan Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND huyện, một trong những giải pháp huyện sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới đó là tổ chức khoanh nuôi, tái sinh diện tích rừng lồ ô; tăng cường công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động... từ đó giúp bà con nâng cao thu nhập, có điều kiện cải thiện sinh hoạt, nhà ở và nâng cao chất lượng đời sống.
Bưởi da xanh, loại cây trồng đang được người dân Khánh Sơn trồng thí điểm để góp phần nâng cao thu nhập
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhân dân nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào nhà nước. “Vận động bà con tích cực tham gia thực hiện các chương trình kinh tế-xã hội ở địa phương; từng bước đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, giá trị hàng hóa. Nhất là giáo dục bà con nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chi tiêu hợp lý trong gia đình, tránh lãng phí để có nguồn vốn tích lũy, tái đầu tư sản xuất. Có như vậy các hộ nghèo mới thoát nghèo bền vững được”, ông Mấu Thái Cư, Bí thư huyện ủy phát biểu.
Cùng với đó, huyện tiếp tục tăng cường vận động các đơn vị đỡ đầu, nhà tài trợ hỗ trợ người dân về phương tiện, dụng cụ lao động sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, chú trọng quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đồng thời tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, cải thiện vệ sinh môi trường nơi ở, xóa nhà tạm, nhà rột nát…..
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn