02/12/2017 16:00
Lượt xem:
5033
Do mưa lớn trong thời gian dài, cộng thêm bão số 12 nên trên địa bàn huyện xuất hiện sâu bệnh gây thiệt hại cho cây trồng, trong đó có các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Thời tiết không thuận lợi cũng khiến bà con khó thực hiện các biện pháp phòng trừ, tạo điều kiện cho các loại bệnh phát triển và lây lan nhanh. Vì thế các ngành chuyên môn của huyện đang tích cực xuống vườn kiểm tra, hướng dẫn nông hộ thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt ở vụ sau.
Theo đó, một số bệnh thường gặp trên cây sầu riêng trong thời điểm hiện nay đó là: bệnh nứt thân, sì mủ, nấm hồng; trên cây cà phề là bệnh rỉ sắt, nấm thân; bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Theo cơ cơ chuyên môn, việc đầu tiên bà con cần làm đó là giữ cho vườn cây thông thoáng, đào rãnh thoát nước trong mùa mưa, tránh ngập úng. Đối với bệnh nứt thân, sì mủ bà con có thể sử dụng một số loại thuốc như: nooc siu hay agrifot 400… để quét lên vết bệnh hoặc tưới dưới gốc; sử dụng một số loại thuốc như: raiting 1.8, sittop để phòng trừ rầy nhảy hại sầu riêng. Đối với bệnh chết nhanh trên cây tiêu, bà con có thể sử dụng một số loại nấm đối kháng, phun một số loại thuốc như: agrifot 400, ridomingon…để phòng trừ. Đối với bệnh nấm hồng trên cây có múi, nên cắt bỏ cành, nhánh bị bệnh và sử dụng một số loại thuốc như: anviu, cavanzin… để điều trị. Bà con lưu ý, nên phun thuốc vào những ngày không có mưa để phát huy tối đa hiệu quả.
Mặt khác, hiện tại bà con đang tiến hành khôi phục sản xuất, cắt tỉa cành, dựng lại những cây đổ gãy sau mưa bão sẽ làm dễ cây bị tổn thương, những vết cắt tỉa là nơi thuận lợi để các loài sâu bệnh sinh sôi, nảy nở. Do đó, trong quá trình khôi phục sản xuất, chăm sóc cây trồng, bà con cần sử dụng một số loại thuốc (theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn) để bôi lên vết cắt, tỉa; không nên bón phân đạm mà bón các loại phân có hàm lượng lân cao, đồng thời sử dụng các loại thuốc kích thích để phun lên cho cây phục hồi nhanh hơn. Riêng đối với cây sầu riêng, bà con nên cắt tỉa gọn tán, chỉ để khoảng 12-14 cành, không nên để cao quá 4 m nhằm hạn chế ảnh hưởng của gió bão và dễ chăm sóc.
Bên cạnh đó, bà con cũng cần khẩn trương thực hiện việc cải tạo, vệ sinh vườn, xử lý đất bằng vôi bột trước khi tái sản xuất nhằm đảm bảo năng suất cây trồng trong vụ tới./.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn