06/06/2024 00:00
Lượt xem:
330
Sáng 6/6/2024, UBND huyện Khánh Sơn tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh “Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo”. Trước đó, ngày 31/5/2024, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định số 1463/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh “Di tích khảo cổ địa điểm Dốc Gạo” thuộc thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn. Tại buổi lễ, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao đã trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh “Di tích khảo cổ Địa điểm Dốc Gạo” cho lãnh đạo huyện Khánh Sơn.
Dốc Gạo là ngọn núi nơi bộ đàn đá Khánh Sơn được gia đình người Raglai tên Bo Bo Sung tìm thấy trong lúc làm nương rẫy vào khoảng năm 1947 tại khu vực đỉnh núi Dốc Gạo. Sau đó, tại núi Dốc Gạo các nhà khoa học đã thực hiện khảo sát năm 1979 và khảo cổ vào năm 1980 đến 1981.
Ngày 16/3/1979, lễ bàn giao đàn đá do ông Bo Bo Ren trao lại cho Đảng và Nhà nước, được tổ chức trọng thể tại Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Khánh. Tin bộ đàn đá của ông Bo Bo Ren đưa về Tỉnh lan nhanh khắp vùng Khánh Sơn, bà con rất phấn khởi. Trong không khí náo nức ấy, ông Bo Bo Ren cho biết ông còn cất giấu một bộ đàn đá nữa. Tháng 3 năm 1979, sau quá trình khảo sát, đoàn nghiên cứu đánh giá đây là bộ đàn đá quý hiếm của Việt Nam, nên chính quyền đã vận động gia đình ông Bo Bo Ren hiến tặng 2 bộ đàn đá cho Nhà nước nghiên cứu, bảo quản và giới thiệu cho công chúng. Sáng ngày 26/3/1979, ông Bo Bo Ren đã giao bộ đàn đá thứ hai cho tỉnh. Đây là bộ đàn đá rất có giá trị về mặt âm nhạc học và có niên đại hàng ngàn năm, và là hiện vật đặc trưng gắn liền với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Khánh Hòa. Về tên gọi, do đàn đá được phát hiện tại huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa nên gọi là “Đàn đá Khánh Sơn”. Bộ đàn đá có niên đại khoảng 2.500 - 3.000 năm cách ngày nay. Năm 1980, Ban Khảo cổ học của Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam đã tiến hành 2 đợt khảo sát tại đỉnh núi Dốc Gạo (huyện Khánh Sơn) đã phát hiện hơn 500 mảnh tước cùng loại đá của đàn đá Khánh Sơn, trong đó có một số thanh đàn đá còn đang chế tác dở dang và bị vỡ. Bước đầu nghiên cứu đá, các nhà khoa học đã xác định đó là những mảnh tước được ghè đẽo ra từ trong các thanh đàn đá Khánh Sơn, là đá Riôlit pocphia là loại đá có sẵn tại chỗ rất nhiều ở núi Dốc Gạo. Điều này càng minh chứng và xác định bộ đàn đá Khánh Sơn được chế tác tại chỗ, bằng chất đá tại chỗ, chứ không phải từ nơi khác đưa đến.
Hội Bảo tồn Di sản văn hoá và Du lịch tâm linh tỉnh Khánh Hoà tặng quà cho các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn thôn Tà lương và thôn Dốc Gạo
Di tích khảo cổ Địa điểm Dốc Gạo là địa chỉ lưu dấu những giá trị lịch sử - văn hóa của vùng đất Khánh Sơn, đặc biệt là niềm tự hào được coi là quê hương của đàn đá. Việc phát hiện đàn đá Khánh Sơn và công bố năm 1979 là phát hiện quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật; như các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là một phát hiện quan trọng trong nước. Chính vì vậy, bộ đàn đá Khánh Sơn rất có giá trị về mặt khoa học, lịch sử và âm nhạc học. Bộ sưu tập đàn đá Khánh Sơn (gồm 12 hiện vật) tỉnh Khánh Hoà đã được công nhận là bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ (đợt 12)./.