Với mục đích tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là các vấn đề nhạy cảm, còn có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản QPPL cũng như ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của huyện.
Ngày 22/01/2024, UBND huyện ban hành Quyết định số 89/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” năm 2024 trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Kế hoạch đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Theo đó, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản QPPL đến khi thông qua, ban hành văn bản QPPL.
- Phạm vi truyền thông đối với các dự thảo chính sách có đủ các tiêu chí sau: Là các chính sách được ban hành trong các văn bản QPPL mà Luật Ban hành văn bản QPPL quy định phải lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật; tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; là các chính sách có tác động trên phạm vi toàn tỉnh.
- Thời điểm truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện ngay từ khi cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản QPPL lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản QPPL theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL.
Ủy ban nhân dân huyện giao trách nhiệm đến các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào điều kiện, yêu cầu thực tiễn và đối tượng, địa bàn cụ thể, chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức truyền thông dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn…để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách tới các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp; chú trọng phát huy đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ làm công tác thực tiễn có liên quan đến chính sách tham gia đóng góp ý kiến; tổ chức truyền thông dự thảo chính sách tại địa bàn cơ sở qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở, niêm yết tại bảng tin, lồng ghép trong các loại hình văn hóa cơ sở; ứng dụng mạng xã hội và hình truyền thông phù hợp khác…
Đồng thời, chỉ đạo Phòng Tư pháp – cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện; các cơ quan, địa phương căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh và yêu cầu thực tiễn để chỉ đạo, theo dõi việc thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cán bộ các Ban HĐND cùng cấp, công chức làm công tác pháp chế và tuyên truyền viên pháp luật về kiến thức, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách; tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, xử lý thông tin khi thực hiện truyền thông dự thảo chính sách, nhất là những vấn đề khó, có nhiều ý kiến khác nhau.