ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG NĂM 2022

Đọc tin

Ngày 14 tháng 6 năm 2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Cảnh sát cơ động năm 2022. Luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2023.

Đề cương giới thiệu Luật Cảnh sát cơ động  năm 2022 gồm có 2 phần:

Phần 1. Sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động năm 2022

Ngày 23 tháng 12 năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã thông qua Pháp lệnh Cảnh sát cơ động số 08/2013/UBTVQH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014), đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động. Sau 07 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh, Cảnh sát cơ động đã phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là triển khai đồng bộ các biện pháp, phương án, kế hoạch công tác, tổ chức lực lượng ra quân xử lý kịp thời, có hiệu quả các hoạt động gây phương hại đến an ninh trật tự, bạo loạn, biểu tình bất hợp pháp; trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm, đấu tranh triệt phá các chuyên án, các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, hội nghị, sự kiện chính trị quan trọng, góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và đối ngoại của đất nước.

Tuy nhiên, trước sự phát triển của kinh tế – xã hội, sự thay đổi, điều chỉnh của hệ thống pháp luật, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với Cảnh sát cơ động ngày càng nặng nề hơn. Bên cạnh đó, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng dự án luật Cảnh sát cơ động là cần thiết, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Xây dựng Luật Cảnh sát cơ động, đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động.

Tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 đang quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động được thực hiện nhiều hoạt động liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân. Theo đó, Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang (sử dụng sức mạnh thể chất và sức mạnh của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại được trang bị) để đấu tranh chống khủng bố, trấn áp, giải quyết các vụ bạo loạn, biểu tình, tụ tập đông người gây rối an ninh trật tự… trực tiếp tác động đến sức khỏe, tính mạng của các đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó, để thực hiện nhiệm vụ trong những trường hợp cấp bách, Cảnh sát cơ động được quyền huy động người, phương tiện, trưng dụng tài sản, yêu cầu các cơ quan cung cấp sơ đồ, thiết kế, bản vẽ công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức… Vì vậy, để đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định trên cần thiết phải được thể hiện ở văn bản luật.

Mặt khác, trong những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều luật chuyên ngành, trong đó có những quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và xây dựng Cảnh sát cơ động, nhưng mới dừng lại ở các nguyên tắc chung, chưa được quy định cụ thể, như: Tại Khoản 3, Điều 22 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 mới chỉ quy định nguyên tắc chung của việc sử dụng vũ khí quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, chưa quy định cụ thể thẩm quyền quyết định sử dụng; trong khi đó, Cảnh sát cơ động là lực lượng được trang bị nhiều loại vũ khí quân dụng, thực hiện nhiệm vụ có tổ chức, theo đội hình chiến đấu. Tại khoản 1, Điều 5 Luật Công an nhân dân năm 2018 và khoản 3, Điều 26 Luật Quốc phòng 2019 đều xác định: “Nhà nước xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng”; trong đó Cảnh sát cơ động là lực lượng được ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại.

Do vậy, cần luật hóa các quy định của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động và quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn và xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động để đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động của Cảnh sát cơ động.

Thứ hai, Luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát cơ động nói riêng. Cụ thể như: Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng Cộng sản Việt Nam phần về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã xác định: “…Tăng cường cơ sở vật chất – kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại, trước hết là cho lực lượng Hải quân, Phòng không, không quân, lực lượng An ninh, Tình báo, Cảnh sát cơ động…”; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng tiếp tục xác định:“… xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng hải quân, phòng không – không quân, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, cảnh sát biển, tình báo, cơ yếu, an ninh, cảnh sát cơ động…”. Nghị quyết số 40-NQ/TW ngày 08/11/2004 của Bộ Chính trị về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Công an trong tình hình mới, Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 03/8/2015 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đều xác định ưu tiên kinh phí, đầu tư trang bị phương tiện đảm bảo cho lực lượng Cảnh sát cơ động tiến thẳng lên hiện đại. Khoản 1, Điều 5, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động quy định Nhà nước xây dựng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ngày 31/3/2021 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030.

 Do vậy, việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là một bước quan trọng để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Thứ ba, Xây dựng Luật Cảnh sát cơ động để đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của Cảnh sát cơ động và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Cảnh sát cơ động là lực lượng có tính chất đặc thù so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân, được thể hiện ở một số điểm nổi bật như sau: (1) Có chức năng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nhiệm vụ chính của Cảnh sát cơ động là xây dựng các dạng phương án, thường xuyên tổ chức huấn luyện, ứng trực, đảm bảo quân số, vũ khí, trang bị sẵn sàng giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, trấn áp các đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm, vũ trang tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự… Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát cơ động tác chiến theo đội hình, cơ động nhanh, đấu tranh vũ trang trực diện, xử lý những vụ việc, tình huống phức tạp mà nếu chỉ sử dụng biện pháp, lực lượng khác trong Công an nhân dân thì không giải quyết được. (2) Đối tượng đấu tranh của Cảnh sát cơ động đa dạng, phức tạp, số lượng đông từ các băng, ổ nhóm, tội phạm hình sự, ma túy nguy hiểm có sử dụng các loại vũ khí nóng, đến các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn với số lượng lớn người tham gia, ngoài số đối tượng phản động, cơ hội chính trị cầm đầu xúi dục, còn có sự tham gia của đông đảo người dân bị kích động, lôi kéo. (3) Hoạt động vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, đến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. (4) Cảnh sát cơ động ở Trung ương và địa phương được tổ chức theo mô hình đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, quân số đông, được trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật đặc chủng, hiện đại như: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng chống tăng, B40, B41, xe thiết giáp, chống đạn; tàu thủy, máy bay trực thăng…. (5) Để thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi lực lượng Cảnh sát cơ động phải được tổ chức huấn luyện thường xuyên, chuyên sâu về võ thuật, quân sự, kỹ chiến thuật chiến đấu ở cường độ cao, trong mọi điều kiện địa hình, địa bàn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt.

Thực tiễn trải qua gần 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát cơ động đã không ngừng lớn mạnh và lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội như: Tham gia chống chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc và Tây Nam; tăng cường lực lượng hỗ trợ Campuchia đấu tranh chống chế độ Khmer Đỏ năm 1978 và 1979; truy quét phản động Fulro ở Tây Nguyên những năm 1980; giải quyết các vụ việc gây rối an ninh trật tự, bạo loạn chính trị, biểu tình bất hợp pháp tại Tây Nguyên năm 2001, năm 2004; tại Mường Nhé, Điện Biên năm 2011 và Mường Tè, Lai Châu năm 2020 (liên quan đến hoạt động âm mưu thành lập “Nhà nước Mông”); tại Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh năm 2014 (liên quan đến vụ giàn khoan HD981), tại các tỉnh miền Trung năm 2016, 2017 (liên quan đến sự cố môi trường biển); tại Bình Thuận năm 2018 (liên quan đến dự thảo Luật An ninh mạng, Luật Đặc khu kinh tế); tại Ia Chim, Kon Tum năm 2019 và tại Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội năm 2020…; đấu tranh triệt phá các chuyên án ma túy đặc biệt nguy hiểm tại xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và xã Loóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La… Trước sự manh động, hung hãn, nguy hiểm của các đối tượng phạm tội, sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng, Cảnh sát cơ động đã sử dụng biện pháp vũ trang với sức mạnh của lực lượng cùng với các loại vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ để tấn công trấn áp, tiêu diệt, bắt giữ, nhanh chóng ổn định tình hình. Quá trình thực hiện nhiệm vụ có nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương, hy sinh anh dũng để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, biểu tình, bạo loạn; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia… tác động ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, trật tự tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các thế lực thù địch từ bên ngoài tiếp tục câu kết với các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, cực đoan ở trong nước triệt để lợi dụng các vấn đề liên quan đến tranh chấp biển, đảo, khiếu kiện, đình công, lãn công và các vấn đề xã hội làm nảy sinh dư luận và bức xúc trong Nhân dân để tiến hành hoạt động chống phá Việt Nam. Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, hình sự, tội phạm sử dụng công nghệ cao; các vấn đề xã hội phát sinh do sự bùng phát và hậu quả của dịch bệnh Covid-19… vẫn là những thách thức lớn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự của Cảnh sát cơ động.

Với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách của Cảnh sát cơ động.

Thứ tư, xây dựng Luật Cảnh sát cơ động nhằm giải quyết một số vấn đề bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động.

Tại khoản 1 Điều 4 Pháp lệnh quy định thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Tuy nhiên tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó xác định: “… thống nhất thực hiện chế độ thủ trưởng đơn vị đồng thời làm bí thư cấp ủy, kết thúc việc thực hiện quy định số 216-QĐ/TW ngày 09/12/2013 của Ban Bí thư về thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động”. Tại khoản 3 Điều 7 Pháp lệnh quy định Cảnh sát cơ động có nhiệm vụ, quyền hạn tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật; tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cảnh sát cơ động không được giao nhiệm vụ tiến hành các hoạt động điều tra.

Quy định về thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ đã bộc lộ một số bất cập, đó là: Điều 10, Pháp lệnh quy định Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền điều động các đơn vị Cảnh sát cơ động đến cấp Tiểu đoàn trực thuộc, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương có quyền điều động đơn vị Cảnh sát cơ động thuộc quyền (có thể là cấp Trung đoàn như Công an TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Như vậy, chưa có sự tương xứng về thẩm quyền điều động so với quy mô tổ chức và quân số của Cảnh sát cơ động ở Bộ Tư lệnh và Công an địa phương. Bên cạnh đó, Pháp lệnh chưa quy định thẩm quyền của Tư lệnh và Giám đốc Công an tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương trong việc điều động Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong những trường hợp khẩn cấp, cấp bách. Vì vậy, chưa phát huy được tính kịp thời, cơ động nhanh để giải quyết các vụ việc yêu cầu cần phải xử lý ngay.

Pháp lệnh hiện hành quy định Cảnh sát cơ động được quyền trưng dụng tài sản phục vụ thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, quy định tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 thì thẩm quyền này là của Bộ trưởng Bộ Công an và không phân cấp cho cấp dưới.

 Thực tiễn thi hành nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát cơ động, nhất là trong giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự có sự tham gia, phối hợp của nhiều lực lượng, cơ quan, tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động chưa có quy định cụ thể về công tác phối hợp giữa Cảnh sát cơ động với cơ quan, tổ chức, lực lượng chức năng có liên quan, nên quá trình thực hiện đã gặp nhiều lúng túng, hiệu quả chưa cao.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động trình Quốc hội xem xét thông qua là cần thiết, phù hợp với yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Phần 2. Những nội cơ bản và điểm mới của Luật Cảnh sát cơ động năm 2022.

Sáng 14/6/2022, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, với 454/474 đại biểu Quốc hội (91,16%) biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), có hiệu lực 01/01/2023. Luật ban hành gồm có 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật quy định 9 nhiệm vụ và 7 quyền hạn cho CSCĐ. Theo đó, CSCĐ có những quyền gồm: sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. CSCĐ cũng được quyền mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng…

CSCĐ cũng được giao quyền: ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay. CSCĐ được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách.

Bên cạnh đó, CSCĐ cũng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện (trừ công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng); được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin.

Vấn đề bảo đảm hoạt động và chế độ chính sách đối với CSCĐ cũng quy định: nhà nước bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, đất đai, trụ sở, công trình cho hoạt động của CSCĐ theo quy định của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, CSCĐ được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

CSCĐ sử dụng trang phục, Công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh CAND. Bên cạnh đó, CSCĐ có phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu riêng./.

 
Đầu trang
 
Trở về
 
In bài viết
Tin liên quan
Hội nghị giới thiệu văn bản Luật mới cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trên địa bàn huyện năm 2023
HUYỆN KHÁNH SƠN TỔ CHỨC HỘI THI HÒA GIẢI VIÊN GIỎI NĂM 2023
Thông tin, giới thiệu những nội dung cơ bản về các Luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và kỳ họp bất thường lần thứ hai
Tập trung tuyên truyền, phổ biến các Luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM NĂM 2022
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT ĐIỆN ẢNH NĂM 2022
ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT THI ĐUA KHEN THƯỞNG NĂM 2022
Triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg n
Triển khai thực hiện Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ
DANH SÁCH THÀNH VIÊN ​HỘI ĐỒNG PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT HUYỆN KHÁNH SƠN
DANH SÁCH THÀNH VIÊN Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật huyện Khánh Sơn
Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở dành cho hòa giải viên
Nguồn gốc ra đời, mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp Luật Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam – 09/11 Năm 2020
DANH MỤC CÁC LUẬT, NGHỊ QUYẾT ĐƯỢC THÔNG QUA TẠI KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC KHÓA XIV
Danh mục
Chỉ đạo, điều hành
Thông tin tuyên truyền
Dự án, hạng mục đầu tư
THỐNG KÊ, BÁO CÁO
Dịch vụ công trực tuyến
Tin tức - Sự kiện
Thông tin hoạt động
Văn bản mới Chuyển đổi số
KỲ HỌP HĐND HUYỆN KHÁNH SƠN
VĂN BẢN QPPL Thông tin trợ giúp DN NVV
Tiếp cận thông tin
Tuyển dụng
THÔNG TIN CÔNG KHAI
Cải cách hành chính
Chương trình, đề tài NCKH
Công khai ngân sách
Góp ý dự thảo
MỘT CỬA, MỘT CỬA LIÊN THÔNG
Lịch tiếp công dân PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT QUY HOẠCH Tài liệu Tiếp xúc cử tri Thông báo
Video
Album
Bản đồ
Bản đồ hành chính
Học tập tư tưởng đạo đức HCM
Cải cách hành chính
SK-CCHC
Xuc tien dau tư
CCHC