Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho bà con, những năm qua, các ngành chuyên môn của huyện đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trình diễn các loại cây trồng tại các xã, thị trấn. Tuy nhiên, đến nay, việc đánh giá thực chất về hiệu quả các mô hình này đến đâu để nhân rộng sản xuất đại trà thì chưa được thực hiện.
Bà con nông dân đang chăm sóc mô hình giống mía
Hằng năm, các cơ quan liên quan đều triển khai thực hiện những mô hình thí điểm các loại cây trồng nhằm đánh giá về năng suất, chất lượng, tìm ra kỹ thuật chăm sóc phù hợp, để lựa chọn mô hình hiệu quả, sau đó phố biến cho bà con nông dân sản xuất trên diện rộng. Cụ thể, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn các xã, thị trấn đã thực hiện các mô hình như: trồng đậu đỏ, tái sinh cây sa nhân, chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch, trồng bắp lai, trồng khoai môn tím, thâm canh lúa nước, mô hình tái canh cây cà phê bằng phương pháp ghép chồi…Những hộ gia đình tham gia thực hiện mô hình trình diễn được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện, bà con gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng thời tiết hạn hán, điều kiện chăm sóc và trình độ khoa học kỹ thuật hạn chế. Đến nay, việc đánh giá hiệu quả các mô hình kinh tế và nhân rộng sản xuất hầu như chưa được quan tâm thực hiện.
Do đó, tại cuộc họp thường kỳ đầu tháng 12 vừa qua, UBND huyện đã chỉ đạo Trạm khuyến nông cần tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể từng mô hình kinh tế đã triển khai thực hiện trong thời gian qua, xem mô hình nào thực sự hiệu quả để nhân rộng cho bà con sản xuất đại trà. Trong quá trình thực hiện, các xã, thị trấn cần lựa chọn mỗi nhóm từ 5-6 hộ cùng làm chung mô hình và chọn ra hộ có kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật để hướng dẫn, giúp đỡ các hộ còn lại. Qua đó nhằm phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Đinh Luận
Đài TT-TH Khánh Sơn