Ngày 26 tháng 01 năm 2021, Uỷ ban nhân dân huyện Khánh Sơn ban hành văn bản số 221/UBND về việc triển khai thi hành Nghị định 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Theo đó UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện; UBND các xã, thị trấn căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai thi hành Nghị định số 154/2020/NĐ-CP theo đúng quy định.
Giao Phòng Tư pháp huyện theo dõi, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thi hành; thực hiện nghiên cứu, rà soát nội dung Nghị định số 154/2020/NĐ-CP để kịp thời đề xuất, tham mưu triển khai thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của UBND huyện.
Nghị định 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ gồm có 3 điều và có những sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những nội dung quan trọng sau:
Bổ sung loại văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật
Tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP đã bổ sung Điểm g vào Khoản 3, Điều 3 Nghị định 34/2016/NĐ-CP về các trường hợp Nghị quyết do Hội đồng nhân dân và Quyết định do Ủy ban nhân dân ban hành không phải là VBQPPL; ngoài các trường hợp đã được quy định trước đó thì Nghị định 154/2020/NĐ-CP cũng bổ sung trường hợp “Nghị quyết về chương trình, đề án, dự án, kế hoạch” cũng không phải là VBQPPL.
Bổ sung trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Điều 25 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật được bổ sung khoản 3a như sau: “3a. Trả lời bằng văn bản đối với ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong trường hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.”
Do đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản phải trả lời bằng văn bản đối với ý kiến đó.
Bổ sung điều luật quy định trách nhiệm xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết nghị định, quyết định, thông tư
Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP bổ sung Điều 29a vào sau Điều 29 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP như sau: “Điều 29a. Trách nhiệm xây dựng, theo dõi, đôn đốc việc ban hành văn bản quy định chi tiết nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ”
“1. Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo nghị định của Chính phủ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 20 của Luật có trách nhiệm:
a) Thông báo bằng văn bản cho bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung nghị định của Chính phủ, đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nghị định, quyết định đó được ký ban hành;
b) Theo dõi, đôn đốc việc soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phát sinh trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành thông tư quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật có trách nhiệm:
a) Thông báo bằng văn bản cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về các nội dung thông tư giao Hội đồng nhân dân. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày thông tư đó được ký ban hành;
b) Theo dõi, đôn đốc việc soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành thông tư; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết.
3. Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết nghị định của Chính phủ quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 20 của Luật, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật có trách nhiệm:
a) Bảo đảm chất lượng, tiến độ soạn thảo, thời hạn ban hành văn bản quy định chi tiết;
b) Thông báo bằng văn bản cho bộ, cơ quan ngang bộ soạn thảo nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành thông tư có nội dung được giao quy định chi tiết về những vấn đề phát sinh trong quá trình soạn thảo văn bản quy định chi tiết để lý theo thẩm quyền hoặc để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Văn bản thông báo, đôn đốc, xử lý (nếu có) quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều này đồng thời được gửi Bộ Tư pháp.”
4. Sửa đổi quy định về đề nghị xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn
Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP quy định sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 37 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP như sau:
“1. Thủ tướng Chính phủ tự mình hoặc theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 146 và khoản 3 Điều 147 của Luật.
Trường hợp cần ban hành thông tư để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn quy định tại khoản 1 Điều 146 của Luật thì trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Văn bản lấy ý kiến gồm các nội dung quy định tại khoản 4 Điều này.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về việc ban hành thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với thông tư quy định tại khoản này.”
Sửa đổi, bổ sung các loại văn bản được kiểm tra, xử lý
- Điểm a, Khoản 17 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điểm b, khoản 1 Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP về văn bản được kiểm tra như sau: “b) Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước;”.
6. Quy định 05 trường hợp VBQPPL được xem là văn bản trái pháp luật
- Điểm b, Khoản 17, Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điểm a khoản 2 Điều 103 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP về văn bản được xử lý như sau:
“(1)Văn bản trái pháp luật gồm văn bản ban hành không đúng thẩm quyền;
(2) Văn bản có nội dung trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn;
(3) Văn bản quy định thời điểm có hiệu lực trái với quy định tại khoản 1 Điều 151 của Luật;
(4) Văn bản vi phạm quy định của pháp luật về đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra dự thảo;
(5) thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành trong trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng không thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 147 của Luật;”.
Ngoài ra tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 154/2020/NĐ-CP cũng thực hiện bãi bỏ các quy định tại Điều 36; điểm c khoản 1 và khoản 6 Điều 143 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.