Ngày 13 tháng 11 năm 2020 tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua Luật sửa đổi, bồ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính (Luật số 67/2020/QH14). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
Trên tinh thần tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của công tác xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng của quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 được triển khai thi hành đầy đủ, thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả trên địa bàn huyện. Uỷ ban nhân dân huyện Khánh Sơn ban hành Quyết định số 220/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3 năm 2021 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn huyện Khánh Sơn.
Kế hoạch được ban hành với mục đích nhằm tổ chức tốt việc triển khai thi hành Luật trên địa bàn huyện; làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người làm công tác xử lý vi phạm hành chính; xác định trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể các nội dung công việc, tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ tổ chức triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng như cơ chế phối hợp của các phòng, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật; bảo đảm tính kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; tăng cường hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 có bộ cục và nội dung được sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
Luật có bố cục gồm 4 Điều:
- Điều 1: sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
- Điều 2: bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm của Luật.
- Điều 3: bãi bỏ một số điều, khoản của Luật.
- Điều 4: hiệu lực thi hành.
1. Quy định lại thế nào là "Tái phạm": Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó. (khoản 1 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)
2. Quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính:
Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi như sau:
- Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.
- Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.
- Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.
- Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.
Như vậy, theo Luật xủa lý vi phạm hành chính năm 2020 một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần có thể được xem là tình tiết tăng nặng trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.
(Khoản 2 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)
3. Quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a, Khoản 1 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi như sau:
- Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây: Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
- Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
(Điểm a, khoản 4 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)
4. Quy định về thời hiệu áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 6 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi như sau:
- Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 90; 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 90; 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4 và 6 Điều 90; 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 90 của Luật này.
- Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 92; 06 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 92 của Luật này;”
Thực hiện bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 2 như sau:
- Trong thời hạn được quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này mà cá nhân cố tình trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hiệu được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
5. Sửa đổi, bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm
Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như sau:
Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
Bổ sung khoản 8a vào sau khoản 8 Điều 12 như sau:
Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.
6. Tăng mức phạt tối đa trong 10 lĩnh vực
Theo đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 đã tăng mức xử phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực quản lý nhà nước, gồm: giao thông đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội; cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục; điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thủy lợi; báo chí; kinh doanh bất động sản. Cụ thể:
- Giao thông vận tải đường bộ; phòng, chống tệ nạn xã hội: từ 40 triệu đồng lên 75 triệu đồng;
- Cơ yếu; quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; giáo dục: từ 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng;
- Điện lực: từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng;
- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: từ 100 triệu lên 200 triệu;
- Thủy lợi (trước đây là lĩnh vực quản lý công trình thuỷ lợi); báo chí: từ 100 triệu đồng lên 250 triệu đồng;
- Kinh doanh bất động sản tăng: từ 150 triệu đồng lên 500 triệu đồng.
(Điểm a, khoản 10 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012)
7. Bổ sung thêm mức phạt tiền tối đa của 06 lĩnh vực
Tăng mức phạt tối đa trong 10 lĩnh vực, Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 cũng bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa trong 06 lĩnh vực bao gồm:
Tín ngưỡng, tôn giáo (trước đây chỉ có lĩnh vực tôn giáo); đối ngoại mức phạt tiền: tối đa là 30 triệu đồng;
- Cứu nạn, cứu hộ mức phạt tiền: tối đa là 50 triệu đồng;
- In; an toàn thông tin mạng mức phạt tiền: tối đa là 100 triệu đồng;
- Sở hữu trí tuệ mức phạt tiền: tối đa 250 triệu đồng.
8. Thời hạn xử phạt vi phạm hành chính
Khoản 34 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như sau:
a. Đối với vụ việc thông thường không thuộc trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này, thời hạn ra quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính; vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
b. Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính;
c. Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính.
9. Thay đổi, bổ sung các quy định về hoãn thi hành quyết định phạt tiền
Tại khoản 37 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 sửa đổi, bổ Điều 76 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, tổ chức bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng trở lên;
- Cá nhân đang gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn; tổ chức đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh.
10. Sửa đổi, bổ sung các quy định về tạm giữ người theo thủ tục hành chính
Tại điểm a khoản 61 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác;
- Cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;
- Để thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
- Người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình;
- Để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy.
Bài viết trên đã cụ thể hóa các nội dung cơ bản, quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020; theo đó bài viết đã đề cấp đến những nội dung cơ bản về: nguyên tắc trong xử lý vi phạm hành chính; quy định về thời hiệu xử phạt hành chính; quy định thời hiệu áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính; tăng mức phạt tối đa trong 10 lĩnh vực và bổ sung thêm mức phạt tối đa của 06 lĩnh vực; sửa đổi, bổ sung các quy định về hoãn thi hành quyết định phạt tiền và quy định về tạm giữ người theo thủ tục hành chính,…. Bên cạnh những nội dung được đề cập ở trên, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2020 đã bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với sự thay đổi, hoàn chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; đảm bảo tính đầy đủ, tính thống nhất, tránh chồng chéo./.