TÀI LIỆU
Về việc quản lý phát triển các trạm thu phát thông tin di dộng (BTS) ở Việt Nam
(kèm theo Công văn số 212/BTTTT-KHCN ngày 20/01/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông)
Theo thống kê của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), tính đến hết năm 2015, số lượng thuê bao điện thoại di động trên toàn thế giới đã đạt khoảng 7,2 tỷ. Với số lượng thuê bao lớn như vậy nên các nước, đặc biệt là tại các thành phố lớn phải tìm mọi cách tăng cường xây dựng các trạm thu phát sóng (BTS) với mật độ cao để đàm bảo vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ. Những năm qua, ở một số nước trên thế giới đã có những phản ứng đối với các trạm thu phát thông tin di động do lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe. Và chính sách của các nước này là tập trung xây dựng các tiêu chuẩn an toàn, hướng dẫn an toàn và tuyên truyền, vận động người dân để triển khai; trong khi đó các nhà khai thác mạng cũng sử dụng những giải pháp về vận động, tuyên truyền, sử dụng công nghệ phủ sóng phù hợp kết hợp với che chắn các trạm BTS...
Tại Việt Nam, trong thời gian từ năm 2006 đến nay, việc xây dựng và phát triển các trạm thu phát (BTS) cũng gặp một số khó khăn. Báo cáo này điểm lại một số cơ sở khoa học, thực tế quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua và định hướng quản lý thời gian tới.
1. Về các cơ sở khoa học
1.1. Trên thế giới
Trên thế giới, mối quan hệ giữa sóng điện từ của các trạm thu phát thông tin di động và sức khỏe con người nói đã được nghiên cứu từ lâu và cũng đã thu được những kết quả nhất định. Qua tổng hợp các kết quả nghiên cứu và đánh giá cũng như các khuyến nghị liên quan đến ảnh hưởng của các trạm thu phát điện thoại di động đến sức khỏe con người trong báo cáo của các tổ chức độc lập (không bao gồm nghiên cứu của hiệp hội các nhà khai thác điện thoại di động, các nhà sản xuất điện thoại di động - thực tế có rất nhiều - để đảm bảo tính khách quan và chính xác), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận là chưa có bằng chứng cho thấy trường điện từ của các trạm thu phát thông tin di động có thể gây ảnh hưởng có hại cho con người.
Tháng 6/2000, WHO sau khi nghiên cứu, đã tổng hợp và khẳng định “Qua các nghiên cứu cho đến thời điểm này, chưa có bằng chứng nào cho thấy trường RF từ các trạm thu phát thông tin di động có thể gây ảnh hưởng có hại cho con người ” (trích tài liệu Electromagnetic fields and public health: mobile telephones and their base stations - WHO Fact sheet N° 193).
Tháng 6/2006, trong tài liệu về công nghệ không dây và trạm gốc (Electromagnetic fields and public health - Base stations and wireless technologies - WHO Fact sheet N0 304), WHO cũng khẳng định “Trên cơ sở xem xét các mức ảnh hưởng rất thấp và các kết quả nghiên cứu thu thập được cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy các tín hiệu RF yếu từ các trạm thu phát thông tin di động và mạng vô tuyến gầy ảnh hưởng có hại cho sức khỏe con người”.
Tháng 10/2014, trong tài liệu về điện thoại di động và trạm gốc (Electromagnetic fields and public health: mobile telephones and their base stations - WHO Fact sheet N°193 - Renewed Oct 2014), WHO thông báo chưa có kết luận bổ sung và vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về vấn đề này. Bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu, WHO cũng tập trung xây dựng các tài liệu hướng dẫn và khuyến khích việc đối thoại giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý, nhà khai thác và cộng đồng để tăng cường sự hiểu biết về vấn đề này.
1.2. Ở Việt Nam
Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào đề cập chi tiết về vấn đề ảnh hưởng của các trạm thu phát thông tin di động đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, xác định đây là vấn đề chung của toàn thế giới, Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất quan điểm tuân theo các kết luận của WHO.
2. Về vấn đề tiêu chuẩn hóa
Mặc dù chưa có đủ cần cứ để khẳng định sóng điện từ của các trạm thu phát sóng thông tin di động ngây ảnh hưởng có hại cho sức khỏe con người, nhưng WHO vẫn khuyến nghị các quốc gia xây dựng tiêu chuẩn và hướng dẫn để đảm bảo an toàn. Và tài liệu được WHO khuyến nghị áp dụng là Khuyến nghị của Tổ chức phòng chống bức xạ phi ion hóa (ICNIRP) (Guidelines for limiting exposure to time-varying electric, magnetic and electromagnetic fields up to 300 GHz). Qua khảo sát, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng tiêu chuẩn dựa trên Khuyến nghị này như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Anh, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc... Ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 3718-1:2005 “Quản lý an toàn trong trường bức xạ tần số radio - Phần 1: Mức phơi nhiễm lớn nhất trong dãi tần từ 3 KHz đến 300GHz” trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức phòng chống bức xạ phi ion hóa.
Năm 2006, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định bắt buộc áp dụng TCVN 3718-1:2005 đối với các trạm BTS. Cụ thể là, giá trị mật độ dòng năng lượng (S) giới hạn đối với đối tượng trạm BTS là 2 W/m2 (giới hạn là khá an toàn khi so với khuyến nghị của một số nước trên thế giới như Mỹ, Nhật). Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2010/BTTTT “Trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng - Phương pháp đo mức phơi nhiễm trường điện từ” trong đó xác định rõ giới hạn an toàn (theo TCVN 3718-1:2005) và phương pháp đo mức phơi nhiễm trường điện từ của các trạm BTS. Đây là cơ sở để phục vụ việc kiểm định kỹ thuật các công trình trạm thu phát sóng thông tin di động nhằm đảm bảo an toàn về bức xạ điện từ.
3. Các hoạt động quản lý của Bộ Thông tỉn và Truyền thông
Trên góc độ quản lý chuyên ngành về viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ Bưu chính, Viễn thông trước đây) đã tổ chức nghiên cứu, triển khai các hoạt động quản lý an toàn đối với các trạm BTS từ năm 2006. Xác định rằng việc xây dựng và phát triển mạng lưới viễn thông nói chung và các trạm BTS nói riêng nhằm đảm bảo cung cấp dịch vụ tốt nhất đến người dân là trách nhiệm của ngành thông tin và truyền thông; đồng thời cũng đảm bảo an toàn cho người vận hành và người dân sống gần các trạm thu phát sóng và đảm bảo mỹ quan đô thị; trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện quản lý chặt chẽ, nghiêm túc về an toàn bức xạ điện từ cụ thể như sau:
3.1.Về công tác quản lý chuyên ngành
Các thiết bị của trạm BTS (thiết bị thu, phát) trước khi đưa vào sử dụng, lắp đặt đều phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đồng thời, tất cả các trạm thu phát thông tin di động (mà trong bán kính 100m tính từ anten bất kỳ của các trạm BTS lắp đặt tại vị trí đó có công trình xây dựng trong đó có người sinh sống, làm việc) phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong QCVN 08:2010/BTTTT thì mới được phép đưa trạm BTS vào hoạt động (theo các yêu cầu và thủ tục quy định tại các Thông tư 16/2011/TT-BTTTT, 17/2011/TT- BTTTT và 18/2011/TT-BTTTT ngày 30/6/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông); và như vậy là bảo đảm an toàn về bức xạ điện từ. Tính từ khi triển khai các văn bản này đến hết năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho trên 60.000 trạm trên cả nước. Thực tế đo kiểm cho thấy, ở khoảng cách 30m trở lên tính từ trạm thu phát sóng tiêu chuẩn, bức xạ điện từ trường đều ở mức cho phép theo quy định tại TCVN 3718-1:2005.
3.2. Về mặt quy hoạch và xây dựng các trạm BTS
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT ngày 21/6/2013 hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ dộng tại địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chung cơ sở hạ tầng để tiết kiệm chi phí và đảm bảo mỹ quan đô thị. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng Thông tư liên tịch số 15/2016/TTLT-BTTTT- BXD giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trong đó có các trạm thu phát thông tin di động. Đây là một hành lang pháp lý thuận lợi cho việc xây dựng các các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trong đó có trạm thu phát sóng ở các địa phương, đồng thời cũng đàm bảo chất lượng, an toàn cho người dân và các công trình lân cận, đảm bảo cảnh quan, môi trường và mỹ quan đô thị.
3.3. Các hoạt động khác
Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các Sở Thông tin và Truyền thông làm đầu mối, phối hợp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động để cùng giải quyết các vấn đề khi xây dựng các trạm thu phát thông tin di động trong các khu dân cư.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp nghiên cứu, lựa chọn địa điểm xây dựng phù hợp; lựa chọn công nghệ phủ sóng phù hợp; sử dụng các công nghệ che chắn; có các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ phát triển hạ tầng để tăng cường chất lượng dịch vụ...
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trực tiếp giải quyết một số trường hợp kiến nghị liên quan đến lo ngại ảnh hưởng sức khỏe bởi các trạm thu phát sóng thông tin di động; cung cấp thông tin, giải trình các kiến nghị của người dân ở các địa phương; trả lời/cung cấp thông tin theo ý kiến/yêu cầu của một số đại biểu Quốc hội liên quan đến lo ngại ảnh hưởng sóng điện từ từ các trạm BTS...
4. Kết luận
Với các cơ sở khoa học từ Tổ chức Y tế thế giới, tiêu chuẩn quốc tế/tiêu chuẩn Việt Nam và biện pháp quản lý chuyên ngành như trên, có thể khẳng định rằng các trạm thu phát thông tin di động (BTS) đảm bảo an toàn bức xạ điện từ trường theo quy định.
Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật thông tin liên quan đến các cơ sở khoa học từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của Bộ trong việc phát triển hạ tầng viễn thông nói chung, các trạm thu phát sóng thông tin di động nói riêng để nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông cũng như đảm bao an toàn cho người dân, đảm bảo mỹ quan đô thị./.