Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn, tổng diện tích có rừng trong và ngoài quy hoạch trên địa bàn huyện là 21.603,33 ha. Trong đó, có 1.910,13ha rừng đặc dụng, 11.205,39ha rừng phòng hộ, 5.870,82ha rừng sản xuất và 2.616,99ha rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp với hệ sinh thái đa dạng. Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội.
Để thực hiện tốt Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 – 2020, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn hàng năm tham mưu UBND huyện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về bảo vệ và phát triển rừng để chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu đề ra.
Trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp đạt được một số kết quả quan trọng. Các quy hoạch, đề án được xây dựng khá đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường. Công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng. Kịp thời kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước các cấp về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp phù hợp với điều kiện thực tiễn. Diện tích rừng tăng lên hàng năm. Lợi ích kinh tế từ rừng từng bước được khẳng định, hằng năm, cung cấp gỗ nguyên liệu và các loại lâm sản khác phục vụ cho công nghiệp chế biến, xây dựng được nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả; giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.
Được sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, cùng với sự phấn đấu, nỗ lực của cán bộ và Nhân dân huyện Khánh Sơn trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, nhất là chương trình trồng rừng sản xuất theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ cơ cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với công ty nông, lâm nghiệp và Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 đã góp phần mang lại lợi ích thiết thực từ trồng rừng mang lại. Từ đó nhân dân rất tích cực tham gia trồng rừng góp phần đáng kể vào việc nâng cao độ che phủ rừng. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng đạt 64%.
Thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ và phát tiển rừng góp phần nâng cao nhận thức của người dân. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn, đơn vị chủ rừng Nhà nước hàng năm xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh thông tin về công tác quản lý bảo vệ và phát tiển rừng. Kết quả (giai đoạn 2016 – 2020) đã tuyên truyền trực tiếp 520 buổi/7.656 lượt người nghe; tuyên truyền gián tiếp bằng 2 thứ tiếng Kinh và Raglay trên hệ thống loa phát thanh của xã; cấp phát 2.400 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn các xã, thị trấn. Sửa chữa 05 bảng tường, pano tuyên truyền. Xây dựng, cấp phát 09 đĩa tuyên truyền cho UBND các xã, thị trấn.
Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các cơ quan đơn vị chức năng tổ chức kiểm tra ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép tại các khu vực trên địa bàn huyện. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị chủ rừng Nhà nước xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra, kiểm soát lâm sản và bảo vệ rừng trên lâm phận, diện tích rừng do đơn vị quản lý.
Theo báo cáo từ năm 2016 đến 2020, qua kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản 124 vụ vi phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản. Đã xử lý 107 vụ. Lâm sản tịch thu gồm: 148,776 m3 gỗ xẻ và 18,157 m3 gỗ tròn. Tịch thu 02 xe ôtô; phạt hành chính 84.000.000 đồng. Tiền bán tang vật 629.859.000 đồng. Tổng nộp ngân sách nhà nước 713.859.000 đồng. Khởi tố hình sự 06 vụ án về tội hủy hoại rừng, không khởi tố 01 vụ án, 01 vụ chuyển cho cơ quan Điều tra hình sự khu vực 3 - Quân khu 5 để điều tra xử lý.
Để thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ “lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”. UBND huyện đã chỉ đạo cho Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn, các đơn vị chủ rừng hàng năm tổ chức thành lập, kiện toàn lực lượng phòng cháy chữa cháy rừng ngay tại cơ quan đơn vị mình, nhất là lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở xã, thôn; sẵn sàng tham gia các nhiệm vụ về phòng cháy rừng và tham gia ứng cứu kịp thời khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Đồng thời các đơn vị đã tổ chức mua sắm, gia cố, xây dựng mới các công trình, các dụng cụ, phương tiện máy móc; làm mới, bảo dưỡng hệ thống đường ranh cản lửa để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Bên cạnh công tác tuyên truyền vận động người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, các đơn vị đã xác định diện tích rừng trọng điểm dễ cháy, diện tích nương rẫy canh tác gần rừng dễ cháy, tổ chức viết cam kết, vận động người dân làm đường ranh cản lửa để không gây cháy lan vào rừng.
Hàng năm, vào các tháng cao điểm mùa nắng (từ tháng 3 đến tháng 8) Hạt Kiểm Lâm Khánh Sơn được giao theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trực tuyến trên trang web của Cục Kiểm lâm, trang web cấp dự báo cháy rừng thông tin đến từng địa phương khi cấp dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V trên địa bàn huyện, nếu cấp dự báo ở cấp IV (cấp nguy hiểm), cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) thông báo cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn và nhân dân biết chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Tổ chức lực lượng trực cháy 24/24 giờ tại các cơ quan, đơn vị để tiếp nhận các thông tin về tình hình cháy rừng và sẵn sàng tham gia ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Trong 5 năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Huyện ủy, HĐND huyện; sự phối hợp giúp đỡ của toàn dân và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự nỗ lực quyết tâm của các cơ quan chức năng, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được quan tâm chú trọng nhiều hơn và đã đạt được những kết quả nhất định; việc trồng, chăm sóc rừng rừng phòng hộ, rừng sản xuất đạt kết quả cao…đã góp phần không nhỏ giúp ổn định đời sống, tăng thu nhập cho các hộ dân sinh sống trên địa bàn huyện, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc,chống xói mòn, hạn chế thiên tai, lũ lụt và bảo vệ nguồn nước, nâng dần độ che phủ rừng của huyện; nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng đã được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời; nhận thức của quần chúng nhân dân từng bước được nâng lên; công tác phát triển rừng đã được các đơn vị tham mưu thực hiện theo chỉ tiêu kế hoạch./.