Bộ máy chính quyền cấp xã đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính quyền các cấp, bởi vì đây là cấp gần dân nhất, trực tiếp triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Năng lực, hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức cấp xã ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần to lớn vào quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nhân dân ở địa phương, đóng góp quan trọng vào việc ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội của đất nước.
Trong những năm qua, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã luôn coi trọng và đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; qua đó giúp cho đội ngũ này từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Ngày 06/11/2019, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 13/2019/TT-BNV hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, công chức cấp xã phải có đủ các tiêu chuẩn chung quy định tại Điều 3 Nghị định số 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường, thị trấn, cụ thể: đủ 18 tuổi trở lên; tốt nghiệp trung học phổ thông; về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phải tốt nghiệp đại học trở lên của ngành đào tạo phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên đối với công chức làm việc tại các xã miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; được cấp chứng chỉ sử dụng công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đã từng bước được triển khai theo từng năm, qua đó chất lượng của đội ngũ này được nâng lên cả về trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị và kinh nghiệm thực tiễn. Hệ thống chính trị ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Trong giai đoạn 2016-2020, tổng số cán bộ, công chức cấp xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng là 153 lượt người, trong đó nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ 24 lượt người, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên và ngạch cán sự theo Đề án 1956 là 100 lượt người, bồi dưỡng các lớp chức vụ, chức danh theo Đề án 1956 là 65 lượt người, bồi dưỡng theo Đề án 567 là 12 lượt người, trung cấp tin 24 lượt người, tiếng dân tộc: 29 lượt người. Cho đến nay, số lượng cán bộ công chức đạt chuẩn là 140/142 người, đạt 98,59% (so với năm 2016 là 123/153 người, chiếm 80,39%)
Công tác bồi dưỡng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao mặt bằng chung về trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; từng bước tiêu chuẩn hóa ngạch, bậc theo quy định của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ, công chức sau khi được bồi dưỡng có nhận thức chính trị vững vàng hơn và hiệu quả công tác được nâng lên. Hầu hết số cán bộ, công chức cấp xã sau bồi dưỡng chuyên sâu đều có chuyển biến về năng lực, chất lượng tham mưu, phương pháp thực hiện nhiệm vụ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Kết quả bồi dưỡng đã góp phần quan trọng nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức cấp xã, đảm bảo cho công tác quy hoạch và gắn liền với nhu cầu sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020./.