23/07/2019 03:27
Lượt xem:
177
Chiều ngày 22-7, Hội làm vườn tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo “Ứng dụng kỹ thuật cây ăn quả”. Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan thuộc Trạm Khuyến nông, trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện; cộng tác viên khuyến nông, chủ trang trại, hợp tác xã, nông dân có diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện Khánh Sơn.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc của hội thảo, các đại biểu đã nghe Giáo sư Hoàng Quý Châu, nguyên Giảng viên trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ chí Minh và Phó viện trưởng Trung tâm nghiên cứu Cây ăn quả Nam Trung bộ Mai Văn Tri đánh giá thực trạng phát triển sản xuất và kinh doanh các loại cây ăn quả trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng, đặc biệt là một số cây ăn quả đặc sản của huyện Khánh Sơn như: Sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh...; Thực trạng và giải pháp phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững. Đồng thời, giải đáp một số ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất đã được đại biểu quan tâm như: Quy trình đầu tư và chăm sóc cây Sầu riêng bằng sinh học hay hữu cơ nào để thay thế hóa học hiện giờ đã thành công; phương pháp nào để người dân đầu tư sinh học hiệu quả nhất và sản xuất được trái cây sạch; quy trình xử lý cây Sầu riêng đang ra hoa và sau khi đậu trái non; kỹ thuật cải tạo đất khỏe để cây khỏi bệnh; hỗ trợ về phát triển sản xuất cây ăn quả và thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị theo hướng an toàn, bền vững...
Cùng với đó, các ngành chức năng địa phương cần tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực phục vụ phát triển cây ăn quả, tăng cường tư vấn, hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn. Tăng cường hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, hình thành các tổ liên kết, hợp tác xã, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm để có đầu ra ổn định; Nông dân, người sản xuất, cần mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất phải đảm bảo an toàn, chất lượng và hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, nhằm đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao như: công nghệ cảm biến để xác định được sự thay đổi của điều kiện tự nhiên vùng sản xuất, công nghệ tự động hóa về tưới nước tiết kiệm kết hợp bón phân, thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Mỹ Lệ