Ngày 29-4, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố 7 văn bản pháp luật, một nghị quyết và một pháp lệnh đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11.
Quang cảnh buổi công bố Lệnh của Chủ tịch nước. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Theo đó, 7 luật được công bố gồm: Luật Báo chí, Luật Trẻ em, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Dược; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Điều ước quốc tế.
Nghị quyết, pháp lệnh được công bố là: Nghị quyết về việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Giới thiệu về Luật Báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng cho biết Luật Báo chí năm 2016 gồm 6 chương với 61 điều, trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.
Luật Báo chí năm 2016 đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Về hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, Điều 9 Luật Báo chí năm 2016 đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn một số hành vi so với luật báo chí hiện hành như: Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em…
Thông tin về Luật Trẻ em, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho rằng việc ban hành Luật Trẻ em thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 bảo đảm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và tương thích hơn với Công ước của LHQ về quyền trẻ em.
Luật Trẻ em cũng góp phần tạo khuôn khổ pháp lý với những quy định đổi mới, bổn phận trẻ em; nguyên tắc, biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em.
Luật Tiếp cận thông tin quy định rất cụ thể về chủ thể có trách nhiệm cung cấp thông tin; quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước từ cơ quan hành pháp, tư pháp đến cơ quan lập pháp cung cấp các thông tin cho công dân; đồng thời quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật cũng giao thêm trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện việc cung cấp các thông tin nhận được từ các cơ quan khác.
Luật Dược năm 2016 gồm 14 chương, 116 điều, trong đó bổ sung thêm 4 chương: Chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; dược lâm sàng và quản lý giá thuốc.
Luật Dược quy định cơ chế quản lý giá thuốc rõ ràng hơn, đặc biệt là quy định đàm phán giá đối với thuốc biệt dược, thuốc mới, thuốc trong thời gian độc quyền sáng chế, đấu thầu thuốc tập trung và chính sách ưu đãi trong chọn nhà thầu là cơ sở sản xuất thuốc trong nước.
Bỏ quy định thuốc mới lưu hành ở nước ngoài chưa đủ 5 năm phải thử lâm sàng tại Việt Nam. Thay vào đó, Luật quy định các trường hợp thuốc phải thử lâm sàng, thuốc miễn thử lâm sàng căn cứ vào các hướng dẫn quốc tế về thử lâm sàng cũng như các bằng chứng khoa học nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh với thuốc mới có chất lượng cao, giảm tình trạng giá thuốc mới, thuốc hiếm quá cao chỉ vì chưa được phép lưu hành.
Giới thiệu Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, đại diện Bộ Tài chính cho biết về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng bổ sung quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng nhưng không được khấu trừ thuế đầu vào.
Bổ sung quy định dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) nhằm đổi mới về phương thức quản lý và chính sách thuế xuất nhập khẩu theo kinh tế thị trường công khai minh bạch; đồng thời phát huy các công cụ về phòng vệ thuế, nâng cao vai trò của công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
Thông tin về Luật Điều ước quốc tế, đại điện Bộ Ngoại giao cho biết việc sửa đổi định nghĩa “Điều ước quốc tế” là điểm mới cơ bản có tính bao trùm, tác động đến nhiều nội dung của Luật Điều ước quốc tế.
Luật làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực điều ước quốc tế..
Tại buổi họp báo Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn Công hàm thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ và Pháp lệnh Quản lý thị trường cũng đã được giới thiệu những nội dung cơ bản.
Theo chinhphu.vn